Dân Việt

Khi mafia là… “bầu sô” ca nhạc

Quang Phú (theo The Independent) 18/07/2018 07:11 GMT+7
Kĩ nghệ trình diễn ca nhạc quốc tế đã bước ra khỏi sự trì trệ sau giai đoạn khủng hoảng, trở lại với “phong độ tưng bừng” cố hữu. Nhưng một hiện tượng nổi cộm khác biệt so với những năm tháng vàng son trước đây, là mafia đã trực tiếp nhúng tay vào.

Điển hình là các dòng họ mafia Mỹ gốc Italia sừng sỏ như Gambino và Genovese, đang tranh giành nhau “thị phần” hòng lũng đoạn thế giới âm nhạc toàn cầu.

Thực tế luôn tồn tại những uẩn khúc trong giới sản xuất đĩa hát xen lẫn việc lăng xê các ca sĩ hàng đầu thế giới, khiến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải tiến hành điều tra đồng thời ở cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, còn tại Italia thì những vụ việc kiểu này không thể liệt kê hết...

img

Tỉ phú Richard Branson luôn khẳng định việc kinh doanh âm nhạc của mình hoàn toàn trong sạch.

Một cuộc điều tra quy mô do Ủy ban Bài trừ  tội phạm có tổ chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ thực hiện, đã thẩm vấn Salvatore Pizelo hành nghề “bầu sô” ca nhạc ở tiểu bang California, bị tình nghi mua chuộc các giám đốc của 9 đài phát thanh Mỹ, để họ thường xuyên phát đi - phát lại một ca khúc nào đó.

S. Pizelo là một trong số rất nhiều ông bầu ca nhạc làm việc cho các hãng sản xuất đĩa hát, thường đi vòng quanh khắp các tiểu bang nhằm lăng xê những bài hát mới, cũng như các siêu sao mới... Nhưng đồng thời ông bầu này cũng là “người bạn khăng khít” của dòng họ mafia Gambino, một trong những thế lực tội phạm cộm cán nhất ở Mỹ.

Kế đến Văn phòng FBI ở Los Angeles (tiểu bang California) đã khám phá ra những chuyện động trời. Qua S. Pizelo dẫn tới Jozef Isegro, sếp của Kwek Cross-promotion -  công ty chuyên tổ chức biểu diễn ca nhạc lớn nhất tại California, từng đem lại vinh quang cho nhiều diễn viên tầm cỡ thế giới như Janet Jackson - em gái “Vua nhạc pop” Michael Jackson (1958-2009), hay ca sĩ huyền thoại Smokey Robinson, hoặc cựu “Hoàng đế nhạc pop rock” Allen Lanier (1946-2013), rồi các ban nhạc và siêu sao Anh quốc như Boy George, Duran Duran và Simply Red, kể cả Freddie Mercury (1946-1991) - tay độc tấu guitar bất hủ của ban nhạc lừng danh Queen v.v...

Nhiều trò ma giáo hiển nhiên không ngừng được khuếch trương, bao trùm khắp nơi. Nhưng scandal khởi đầu từ David Smith mang quốc tịch Anh vốn là một cựu võ sĩ đấm bốc, cựu vệ sĩ và là “cánh tay phải” của J. Isegro tại Los Angeles. Bị giới nhân viên FBI thúc bách, D. Smith buộc phải khai ra: “Đúng là chúng tôi có đưa tiền cho nhân viên các đài phát thanh, để họ “gảy” các ca sĩ đã được “chấm” lên.

Những “người bạn lớn” của J. Isegro rất lưu tâm đến chuyện này, cụ thể là Gambino và Genovese - 2 ông trùm mafia New York”. Rồi đột nhiên D. Smith trở thành một trong những nhân vật bị truy đuổi gắt gao nhất thế giới. Có 2 nhóm người đều gắng sức lần theo dấu vết của D. Smith: nhóm đầu là các nhà thám tử nhằm bảo vệ đương sự theo yêu cầu của gia đình nạn nhân; nhóm sau là những kẻ giết thuê chuyên nghiệp. D. Smith bị truy lùng, bởi cứ một mực “đeo bám” giới ông bầu ca nhạc chuyên nghiệp, để có dịp làm quen với các siêu sao nổi tiếng trong lĩnh vực này.

Những trò ma mãnh mà D. Smith từng tham gia, được người ta gọi là dạng “scandal Paola”. Đó là những khoản tiền hối lộ hào phóng, mà mafia “ban tặng” cho những người dẫn chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh và truyền hình, cũng như giới nhân viên thuộc các hãng đĩa hát lớn ở Anh và Mỹ, để họ đưa lên đỉnh cao dẫn đầu các bảng xếp hạng bất cứ ca sĩ nào mà mafia đã “chấm”. Sau khi đã nói ra những điều mình biết, D.Smith đột nhiên “biến mất”...

Nhưng đúng vào lúc D. Smith quyết định “ở ẩn”, thì tại Anh lại bùng nổ vụ “scandal Paola” kế tiếp. Tờ tuần báo uy tín The Observer xuất bản ở London cho biết, rằng giữa những kẻ trả tiền hối lộ là siêu tỉ phú Richard Branson - người sáng lập công ty âm nhạc Virgin Records, thường áp dụng các “chiêu thức” giống như J. Isergo để lăng xê các ca sĩ của mình trên thị trường Hoa Kỳ.

img

Danh ca B. George lên tới đỉnh vinh quang là nhờ vào “công lao” của mafia?.

Nhà tỉ phú nổi tiếng R. Branson hiển nhiên là không vui, khi thấy người ta nêu danh tính mình gắn với các tên tuổi dạng Isergo và Gambino, đã lên tiếng trần tình: “Hãng biểu diễn như của Jozef Isergo không phải chỉ có một, mà cũng không phải là hãng hàng đầu trong 15 công ty ca nhạc mà chúng tôi giới thiệu các giọng ca thuộc Virgin Records trên thị trường Mỹ quốc. Còn về chuyện Isergo có liên quan đến mafia, tôi chỉ có thể khẳng định là chúng tôi không hề biết chuyện ấy”(!).

Bất chấp lời quả quyết trên, dư luận vẫn tỏ ý nghi ngờ về các thứ hạng dạng đỉnh cao (Hitparade) mà nam danh ca B. George và nhóm Duran Duran của Anh, do Hãng Virgin Records lăng xê đã giành được tại Mỹ.

Còn thông tin nội bộ trong giới điều tra viên Los Angeles cho biết, sắp tới họ sẽ truy tố một loạt người có dính líu tới “scandal Paola”. Nhân sự kiện này, nhiều hãng đĩa hát hàng đầu như MCA, CBC, hay Bertelsman (BMG) nhanh nhảu khẳng định “sự trong sạch” của mình. Dễ hiểu thôi, bởi đó là tiếng nói của thương trường cạnh tranh!

Một ví dụ như cách đây gần một thập niên, vào năm 2009 tại Hoa Kỳ là thị trường băng đĩa nhạc lớn nhất hành tinh, các nhà sản xuất đã thu được mức doanh số tới 7,5 tỉ USD, có nghĩa là 20% nhiều hơn so với năm 2008 trước đó; cũng như con số tổng doanh thu của năm 2010 tiếp nối lẽ dĩ nhiên là không thể thấp hơn 20%. Mức độ phát triển “siêu lũy tiến” từ đó đến nay rõ ràng là không đổi, bởi các băng hình kỹ thuật số với âm thanh nổi và hình ảnh không gian đa chiều đã vào cuộc, thu hút một lượng lớn công chúng đam mê thưởng thức ca nhạc.

Ai có thể khước từ khoản siêu lợi nhuận khổng lồ này chỉ vì một “cú scandal” nào đó - liên quan ít nhiều đến thế giới ngầm mafia? Mặt khác, chẳng nhẽ bè lũ mafia cáo già lại “ngoảnh mặt làm ngơ” với một “phi vụ” ngấp nghé cả chục tỉ USD/năm ư?