Dân Việt

Phú Thọ: Phó Chủ tịch tỉnh cấp phép mỏ cát cho Cty của anh trai?!

Ngô Hùng 18/07/2018 12:01 GMT+7
Hàng loạt bãi cát không phép ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận, chính quyền xã biết, huyện biết, nhưng các bến cát vẫn ngang nhiên hoạt động.

Như Dân Việt đã phản ánh, tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ hiện đang có nhiều bãi cát hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.

img

Bãi cát không phép nằm ngay cạnh quốc lộ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và bức xúc trong nhân dân. Ảnh Ngô Hùng

Cụ thể, ngay cạnh tỉnh lộ 317, bãi cát của Công ty Đại Minh ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa có quy mô vài hecta, cát chất cao như núi, xe trọng tải lớn ra vào tấp nập.

Qua theo dõi được biết, cát được hút trực tiếp từ chính con sông Hồng cạnh đó lên đây tập kết. PV Dân Việt tiếp tục vào cuộc tìm hiểu vụ việc.

Trao đổi với Dân Việt qua điện thoại, ông Hoa Đình Trường - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chân cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng, xã có tham gia cùng đoàn thanh tra giao thông kết hợp với Công an tỉnh xuống kiểm tra bãi tập kết cát của Công ty Đại Minh. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này vẫn chưa đầy đủ giấy tờ thủ tục nên bị lập biên bản xử phạt, tạm đình chỉ. Nhưng chỉ vài ngày sau, hoạt động này lại diễn ra bình thường”.

img

Dù chưa có giấy phép, bị xử phạt hành chính và tạm đình chỉ, nhưng chỉ vài ngày sau bãi cát của Công ty Đại Minh vẫn hoạt động bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Ảnh Ngô Hùng

Khi phóng viên hỏi trường hợp Công ty Đại Minh chưa đủ thủ tục nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, vậy trách nhiệm quản lý ở địa phương như thế nào thì ông Trường vội biện ra lý do đang có khách rồi tắt máy.

Một bến bãi khác cũng tại huyện Hạ Hòa đã được PV Dân Việt tiếp cận, nằm tại xã Chuế Lưu, sát QL32C, là bến bãi của Công ty Thái Hưng Anh có địa chỉ văn phòng tại khu 8 thị trấn Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Theo người dân phản ánh, đây là bãi tập kết cát của ông Hoàng Công Thái, bãi tập kết này hoạt động trong nhiều tháng nay. Người dân phản ánh bến cát này, chưa có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động bởi chủ bến có người nhà "làm quan trên tỉnh".

img

Bãi cát này dù không phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động và được cho là của người nhà một PCT UBND tỉnh Phú Thọ. Ảnh Ngô Hùng

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lộc - Chủ tịch UBND xã Chuế Lưu xác nhận bãi cát này hoạt động khi thủ tục chưa đầy đủ. Bãi tập kết cát này hút cát từ mỏ khai thác cát của ông Hoàng Công Thái. Theo thông tin từ UBND xã Chuế Lưu, ông Thái là anh trai ruột của ông Hoàng Công Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Theo ông Lộc, việc chủ bãi tập kết cát là người nhà của lãnh đạo tỉnh, nhưng việc quản lý không gặp khó khăn gì, không có sự can thiệp nào. Việc xử lý vẫn diễn ra bình thường, bãi cát hiện đã có trong quy hoạch, chỉ là chưa đầy đủ thủ tục, doanh nghiệp cũng chỉ làm “túc tắc” chứ không có chuyện chống lưng hay bảo kê gì cho những sai phạm này cả.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 11.4.2017 UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Thái Hưng Anh với công suất 10.000m3 cát/năm. Người ký quyết định là ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, còn người đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Thái Hưng Anh (thành lập 26.1.2016, địa chỉ tại Thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa) là ông Hoàng Công Thái. 

Trong khi đó, ông Đàm Trung Kiên - Trưởng phòng TNMT huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thừa nhận hiện nay trên địa bàn của huyện chỉ có hai công ty được cấp phép mỏ là Công ty Đại Minh và Công ty Thái Hưng Anh, nhưng chưa công ty nào hoàn thiện thủ tục lập bến bãi.

Phóng viên đặt câu hỏi: "Vì sao chưa có giấy phép mà những bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động, liệu có sự “chống lưng” như dư luận phản ánh hay không?".

img

Ông Đàm Trung Kiên, Trưởng phòng TNMT huyện Hạ Hòa thừa nhận những bãi tập kết này hoạt động khi chưa đầy đủ thủ tục giấy tờ. Ảnh Ngô Hùng

Ông Kiên phân trần: “Việc các Công ty chưa có phép bến bãi mà vẫn tập kết cát chúng tôi có biết, cũng đã nhắc nhở, thậm chí đã lập biên bản xử lý. Nhưng thực tế lịch sử để lại là khi cấp phép mỏ lại không đồng thời cấp phép bến bãi nên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không có chỗ chứa".

Cũng theo ông Kiên, hai địa điểm trên đều đã được quy hoạch bến bãi, đáng lẽ đã được cấp phép nhưng do vướng mắc về đền bù và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng nên thời gian bị lùi lại và đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng.

Khi phóng viên hỏi nếu chưa đầy đủ thủ tục, các công ty trên có được hoạt động bến bãi hay không, ông Kiên thừa nhận là theo quy định thì không được phép.

Chiều 16.7, liên lạc qua điện thoại, PV đã đặt câu hỏi với ông Hoàng Công Thủy  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: ông Hoàng Công Thái - người được xã xác nhận là chủ bến cát không phép, có phải là anh trai ông không?

Ông Thủy cho biết hiện đang đi học ở Hà Nội, còn việc làm doanh nghiệp phải chấp hành theo quy định pháp luật, chứ không phải người nhà gì cả. Ông Thủy cũng đề nghị PV tự tìm hiểu về mối quan hệ được đặt ra ở câu hỏi kể trên. 

"Quy trình cụ thể đến bãi anh không phụ trách, tinh thần là đúng quy định pháp luật, dù người nhà hay không người nhà phải chấp hành quy định pháp luật. Còn không đúng quy định pháp luật phải kiểm tra xử lý" - ông Thủy nói qua điện thoại.