14 năm “om đất”
Ngày 10.8.2004 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4930/QĐ –UBND, thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi (Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án KĐT mới Thịnh Liệt.
Dự án được UBND TP chấp thuận giao Tổng công ty Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17.9.2007. Quyết định giao đất này do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký.
Sau 14 năm được giao đất, dự án KĐT mới Thịnh Liệt vẫn đang tình trạng "dậm chân tại chỗ". (ảnh TK)
Tại quyết định này, Hà Nội cũng quy định, diện tích đất để xây dựng cơ sở hạ tầng tổng công ty không phải nộp tiền sử dụng đất là 252.868m2; diện tích đất để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ với hình thức nộp tiền sử dụng đất 50 năm là 10.705m2; diện tích đất xây dựng biệt thự, nhà vườn với hình thức nộp tiền sử dụng đất ở là 47.654m2; diện tích xây dựng chung cư với hình thức giao đất nộp tiền sử dụng đất ở là 29.225m2; Diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe tập trung với hình thức đóng tiền sử dụng đất 50 năm là 11.66m2…
Đặc biệt, tại Điều 6 Quyết định 3649 trên, UBND TP chỉ đạo: “Sau 12 tháng kể từ khi chưa bàn giao đất ngoài thực địa, nếu Tổng công ty Licogi chưa đưa đất vào sử dụng đúng mục đích quy định tại Điều 1 và Điều 2 quyết định này hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư đã được phê duyệt thì Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất trình UBND TP quyết định thu hồi đã giao”.
Thế nhưng, trong suốt 14 năm (2004-2018), Tổng công ty Ligico vẫn để dự án dậm châm tại chỗ, gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm hộ dân sống trong quy hoạch dự án. Điều đáng nói, dự án vẫn không được thu hồi.
Biển báo đề phòng trộm cướp được đặt khắp nơi trong khu dự án. (ảnh TK)
Bên cạnh việc liên tục điều chỉnh quy hoạch, mới đây dự án còn được UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 6429/QĐ-UBND ngày 15.9.2017. Quyết định chấp thuận điều chỉnh dự án với quy mô như sau: Đầu tư xây dựng đường giao thông, cây xanh, trường học, bãi đỗ xe, nhà ở cao tầng, nhà ở thấp tầng – liền kề, biệt thự… với quy mô dân số là 11.620 người.
Theo chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ quý 1.2017 đến quý 4.2021. Trong đó, từ quý 4.2017 đến quý 4.2019, chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội. Đồng thời, giai đoạn từ quý 3.2018 đến quý 4.2019, chủ đầu tư phải xây dựng bãi đỗ xe, các công trình công cộng, biệt thự, liền kề…
Thế nhưng, đến nay đã là quý 3.2018 nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện được nội dung nào theo quyết định chủ trương đầu tư. Một lần nữa lại khẳng định, chủ đầu tư đã thực hiện không đúng tiến độ chủ trương đầu tư.
Chủ đầu tư có đủ năng lực?
Được biết, cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Licogi với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần. Ngày 31.12.2015, công ty này đăng kí hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Từ sau khi cổ phần hóa, Licogi liên tục thua lỗ, cụ thể là năm 2016, Licogi lỗ sau thuế 436 tỷ đồng, bằng non nửa vốn điều lệ; 9 tháng đầu năm 2017, Licogi lỗ sau thuế hơn 46 tỷ đồng, lỗ luỹ kế theo đó lên mức 514 tỷ đồng, vượt quá nửa vốn điều lệ (900 tỷ đồng).
Trước việc thua lỗ nặng nề của Tổng công ty Licogi, người dân cho rằng dự án KĐT mới Thịnh Liệt “ôm đất” chỉ gây khó cho cuộc sống của người dân. Và qua đây, dư luận nghi ngờ chủ đầu tư đang có dấu hiệu ôm đất, chờ cơ hội chuyển giao cho đơn vị khác.
Chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án gần 6.000 tỷ đồng? (ảnh TK)
Diễn biến mới, từ cuối năm 2016 Tổng công ty Licogi đã làm giấy ủy quyền triển khai dự án cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi. Công ty Licogi này được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ là 375 tỷ đồng do Tổng công ty Licogi –CTCP thành lập và sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trùng khớp với diễn biến nội bộ Tổng Công ty Ligico, tại Quyết định chủ trương đầu tư số 6429 của UBND TP Hà Nội trên, dự án KĐT mới Thịnh Liệt được giao cho công ty TNHH MTV Licogi (công ty Licogi) làm chủ đầu tư.
Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 5.936 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 900 tỷ đồng (chiếm 15,6% tổng vốn); còn lại vốn huy động hợp pháp khác là hơn 5.036 tỷ đồng (chiếm 84,84% tổng vốn).
Hà Nội có ưu ái cho chủ đầu tư thực hiện dự án bỏ hoang 14 năm này không? (ảnh TK)
Tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014) có quy định về điều kiện năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
Như vậy, đối chiếu vào vốn điều lệ lúc thành lập (2016) của công ty và số tiền tham gia vào dự án trong quyết định chủ trương đầu tư (năm 2017) đã có những có sự chênh lệch khó giải thích (375 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng trong 1 năm). Mức 900 tỷ góp vốn vào dự án này của chủ đầu tư, phải chăng chỉ là để hợp thức quy định?
Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã kí ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3.1.2018 của Thủ tướng Chính phủ, về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lí đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai. Đây được xem là biện pháp quyết liệt với doanh nghiệp cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất "vàng”. Và với những “tiêu chí” đủ để thu hồi thì dự án KĐT mới Thịnh Liệt có bị “trảm” không? |