Tài năng thiên bẩm
Jasper Maskelyne sinh năm 1902 tại phía tây thủ đô London của Anh trong một gia đình có truyền thống hành nghề ảo thuật, bố và ông nội của Maskelyne đều là những ảo thuật gia nổi tiếng.
Với sự thông minh, ham học hỏi, Maskelyne đã ứng dụng khoa học một cách tài tình vào các màn biểu diễn như làm biến mất tàu, xe, nhà cửa hay nuốt lưỡi lam mà cho đến tận ngày nay, các tiết mục ảo thuật ấy của ông vẫn mới lạ và hấp dẫn. Tên tuổi của ông nổi như cồn không những ở Anh, châu Âu mà còn bay xa tới tận Bắc Mỹ.
Maskelyne đang biểu diễn màn nuốt lưới lam. (Ảnh cắt từ video).
Năm 1939, Chiến tranh Thế giới Thứ II bùng nổ, Phát xít Đức đánh chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở châu Âu và đang nhăm nhe tấn công nước Anh. Ở tuổi 37, Jasper Maskelyne quyết định từ giã sân khấu, nơi làm rạng danh tên tuổi của ông để nhập ngũ với mong muốn đem tài năng của mình “biểu diễn” trước “khán giả” là kẻ địch hùng mạnh sở hữu nhiều vũ khí và công nghệ tối tân.
Maskelyne được điều về một đơn vị có nhiệm vụ ngụy trang, và ông phải tham gia các khóa đào tạo về ngụy trang do quân đội tổ chức. Tuy nhiên các chương trình huấn luyện này dường như không hấp dẫn được một ảo thuật gia tài nghệ như ông.
Jasper Maskelyne tại đơn vị ngụy trang. (Ảnh: Kapanmayan Dosya).
Để thuyết phục người đứng đầu đơn vị ấy, ông đã ngụy trang một ụ súng máy rồi mời vị sĩ quan chỉ huy đến kiểm tra. Dù nắm rõ khu vực nơi đặt ụ súng nhưng người sĩ quan ấy không tài nào phát hiện ra được vị trí chính xác của nó. Nhờ lần “trổ tài” ấy, Maskelyne đã có cơ hội vận dụng tài tình các màn ảo thuật của mình trong việc ngụy trang, bảo vệ các mục tiêu thật hoặc tạo ra các mục tiêu giả nhằm đánh lạc hướng của kẻ địch.
Để đánh lừa máy bay do thám Đức, ông đã tạo ra hàng ngàn chiếc xe tăng, xe bọc thép và vũ khí giả, đồng thời còn tạo những hình nhân di chuyển, điều khiển vũ khí để máy bay trinh thám Đức lầm tưởng đó là căn cứ quân sự. Trong khi đó, các căn cứ thật lại được ông ngụy trang thành các trang trại chăn nuôi gia súc, nhờ đó nhiều căn cứ quân sự của Anh đã được bảo vệ an toàn hoặc giảm tổn thất.
Xe tăng giả do Maskelyne chế tạo. (Ảnh: The Better Wiki).
Trổ tài trong trận chiến lừng danh
Chiến tranh leo thang, Phát xít Đức chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, trong đó có một phần lãnh thổ Bắc Phi. Liên quân trong đó có nước Anh đang tìm cách lấy lại thế cân bằng. Tháng 1/1941 mặt trận Bắc Phi bùng nổ, Maskelyne được điều lên tuyến lửa của mặt trận Bắc Phi nơi quân Anh và quân Đức đang giao tranh ác liệt, cũng là nơi ông đã lập nên “chiến tích” lừng danh mà không cần phải tốn một viên đạn.
Để giành lợi thế trong trận chiến Bắc Phi, Adolf Hitler đã cử một trong những trợ thủ đắc lực của mình là tướng Erwin Rommel với biệt danh là “Cáo già sa mạc” rất giỏi tác chiến trên địa hình sa mạc của Bắc Phi làm chỉ huy quân đội Đức. Cho đến thời điểm ấy, Erwin Rommel được coi là vị tướng điều quân bất khả chiến bại.
Khi ấy, các căn cứ của quân đội Anh chịu tổn thất nặng nề bởi hứng chịu các trận ném bom dữ dội của máy bay Đức, một trong số đó là cảng Alexandria (Ai Cập). Đây là căn cứ hậu cần quan trọng, nơi quân đội Anh vận chuyển binh lính, vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường Bắc Phi.
Cảng Alexandria, Ai Cập. (Ảnh: Origo).
Maskelyne nằm trong số những binh lính từ Anh sang chi viện cho mặt trận Bắc Phi được đưa đến căn cứ Alexandria. Sau khi nắm được tình hình, ông đã đưa ra giải pháp vô cùng táo bạo.
Để bảo vệ cho căn cứ Alexandria, ông đã tạo một bản sao của căn cứ này tại một cảng biển cách đó chừng 2km. Tại căn cứ giả, ông dùng các nguyên liệu đơn giản để hình thành nên một căn cứ giống y như thật với ụ tàu, tàu chiến, các tòa nhà, hệ thống phòng không và cả binh lính chỉ bằng bìa cát tông, gỗ, bùn, đất…
Không quân Đức thường ném bom vào ban đêm nên Maskelyne thắp sáng căn cứ giả, còn cảng Alexandria thật thì tối đen. Khi phi công Đức xác định nhầm mục tiêu và ném bom xuống cảng giả, Maskelyne cùng đồng đội còn kỳ công làm biến mất một vài mục tiêu dưới mặt đất như nhà, tàu để “bẫy” phi công nhầm tưởng đó là do người đi trước thả bom phá hủy mục tiêu, nên lại tiếp tục thả bom xuống các vị trí này.
Căn cứ quân sự thường phải có hệ thống phòng không và sẽ đáp trả khi bị máy bay ném bom nên để đánh lạc hướng không quân Đức, Maskelyne và các cộng sự đã tạo ra hệ thống đèn nháy hay máy bắn pháo hoa để phi công Đức tưởng lầm rằng đó là ánh sáng từ nòng pháo. Ban ngày ông rải bông và giấy trên cảng thật để ngụy trang thành cảnh bị bom đạn phá hủy.
Thêm nữa, Maskelyne lại có ý tưởng táo bạo khi tạo ra một loại thiết bị kết hợp giữa ánh sáng và gương phản chiếu rồi bố trí dọc theo cảng giả để không những làm tăng tính chân thực của cảng giả, mà còn làm cho phi công Đức bị mất phương hướng. Kết quả là nhiều máy bay Đức đã lao vào nhau.
Bằng cách này, cảng Alexandria đã được bình yên, làm hậu phương vững chắc cho chiến trường Bắc Phi. Đây cũng là một trong những chiến công ấn tượng nhất của Maskelyne.
Không tốn đạn mà vẫn góp phần vào chiến thắng
Tại mặt trận Bắc Phi, Maskelyne được biên chế vào một đơn vị đặc biệt làm nhiệm vụ phản gián và ngụy trang do chính Thủ tướng Anh Winston Churchill ký quyết định thành lập. Tại đây Maskelyne đã tập hợp được một nhóm cộng sự gồm 12 người và đặt tên là The Magic Gang (Những Chiến binh Ảo thuật). Nhóm này có thể làm những chiếc xe tăng, quân lính và tòa nhà xuất hiện và biến mất một cách thần bí.
Do chiến trường Bắc Phi trải dài nên Magic Gang phải phân thành nhiều nhóm nhỏ để tác chiến tại các khu vực khác nhau. Họ sử dụng gỗ và vải bố để ngụy trang những chiếc xe tăng thành những chiếc xe tải chở hàng. Đôi khi họ làm biến mất cả đoàn xe tăng hay pháo phòng không, cũng có lúc họ lại tạo ảo giác xuất hiện những đạo quân khổng lồ, hoặc dùng gỗ và vải bố để tạo ra các đoàn xe tăng giả.
Do cuộc chiến kéo dài, nguồn nguyên vật liệu sử dụng cho các màn ảo thuật của Magic Gang tại Bắc Phi dần khan hiếm, Maskelyne và đồng đội của ông đã phải ứng biến bằng bất cứ thứ gì họ có trong tay. Đôi khi họ đã chế tạo ra sơn ngụy trang từ nước sốt thiu và phân lạc đà và thu được hiệu quả rất cao.
Biến xe tăng thành xe tải chở hàng. (Ảnh: thaiwhoiswho.blogspot.com).
Dần giành lại được thế cân bằng, mùa thu năm 1942, quân đội Anh quyết định mở chiến dịch phản công quy mô lớn mang tên: Chiến dịch Bertram. Kế hoạch đặt ra là dồn các đạo quân Đức vào “túi” El Alamein để xe tăng và không quân Anh tập trung tiêu diệt. Quan trọng và cũng là khó khăn nhất trong chiến dịch này là làm thế nào bí mật điều động xe tăng và binh lính từ hai phía đông, tây rồi đánh úp quân Đức theo thế gọng kìm tại El Alamein.
Maskelyne cùng Magic Gang đã tạo ra hàng ngàn chiếc xe tăng giả rồi hành quân theo nhiều hướng để đánh lừa máy bay trinh thám Đức. Ngày 23.10.1942, quân Anh bất ngờ khai hỏa mở màn chiến dịch Bertram, dồn quân Đức vào thành phố Al Alamein. Trên không, máy bay Anh ném bom liên tục, mặt trận bên dưới thì xe tăng tấn công dồn dập từ hai phía đông, tây. Kết quả sau 10 ngày triển khai chiến dịch Bertram, quân Đức bị tổn thất nặng nề với 20 nghìn binh lính bị tiêu diệt hoặc bắt sống, 1.500 phương tiện bị tịch thu hoặc phá hủy.
Chiến thắng của chiến dịch Bertram có ý nghĩa quan trọng làm suy yếu quân Đức tại Bắc Phi, tạo ra nhiều lợi thế cho quân đồng minh, trong đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của Maskelyne trong việc làm điên đảo đội quân Đức hùng mạnh. Thất bại này của quân đội Đức đã khiến Hitler liệt Maskelyne vào danh sách đen những người cần phải bị tiêu diệt và tướng quân khét tiếng Erwin Rommel bị triệu hồi về nước và giáng chức.
Chiến tranh Thế giới Thứ II kết thúc với phần thắng thuộc về quân đồng minh, Maskelyne giải ngũ và Magic Gang giải thể. Những chiến công thầm lặng của Maskelyne và đồng đội trong Magic Gang tưởng chừng như bị lãng quên theo dĩ vãng đau buồn của chiến tranh, cho đến khi Maskelyne xuất bản cuốn hồi ký của mình. Từ đây, các nhà nghiên cứu, các hãng phim vào cuộc, lúc ấy người ta mới biết được những chiến công lẫy lừng chẳng tốn một viên đạn của ảo thuật gia Maskelyne – người anh hùng thầm lặng trong Thế chiến Thứ II.