Dân Việt

Mê Linh chi hơn 2.400 tỷ đồng cho nông thôn mới

Trọng Toàn 18/07/2018 15:45 GMT+7
Sau 10 năm huyện Mê Linh sát nhập về thủ đô Hà Nội, bây giờ đến miền quê này, ai cũng cảm nhận được quá trình đô thị hóa đang diễn ra rõ nét, với những khu công nghiệp được đầu tư quy mô, những công trình giao thông hiện đại, đời sống người dân khu vực nông thôn có sự đổi thay nhanh chóng…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, trong 10 năm qua, nguồn lực đầu tư cho các ngành, lĩnh  vực trọng tâm của huyện lên tới 3.563 tỷ đồng, trong đó, trên 1.300 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo; trên 1.100 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông…

img

Huyện Mê Linh hiện có khoảng 430ha đất trồng hoa các loại và đang trở thành “vựa” hoa của Hà Nội. Nhờ nghề trồng hoa, nhiều nông dân huyện này có thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Minh

Nhờ đó, một số công trình quan trọng đã được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội và thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện, như: Trụ sở làm việc của huyện và các cơ quan với diện tích trên 40ha; đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; tuyến đường 35; Quốc lộ 23B; đường hành lang đê tả sông Hồng; tuyến đường 24km khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh và nhiều tuyến đường khác về các xã trên địa bàn.

Huyện cũng đã đầu tư Bệnh viện Đa khoa huyện với quy mô 200 giường bệnh, kinh phí 457 tỷ đồng; xây mới, cải tạo, nâng cấp 71 trường học, xóa bỏ 224 phòng học tạm, phòng học xuống..., góp phần nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 20% (2008) lên gần 62% như hiện nay.

Đặc biệt, trong xây dựng NTM, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, 7 năm qua huyện đã huy động các nguồn lực được trên 2.400 tỷ đồng xây dựng NTM. Nhờ đó bộ mặt nông thôn của Mê Linh có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; giao thông, thủy lợi nội đồng được cứng hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Đến nay, toàn huyện đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 35,3 triệu đồng (năm 2008 chỉ đạt 11,04 triệu đồng).

 Ông Lê Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Kim Hoa chia sẻ: “Khi về với Thủ đô, xã được thành phố quan tâm, đầu tư toàn diện. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Từ chỗ có tới trên 20% hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ 11 triệu đồng/người (năm 2008), đến nay, xã chỉ còn 2,5% hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm”.