Cận tết, hàng vạn lao động (LĐ) từ các vùng quê đổ ra thành phố mong tìm một công việc để kiếm thêm thu nhập về sắm tết. Kinh tế khó khăn, nguồn cung LĐ thì dồi dào mà người thuê lại ít khiến tình trạng lừa đảo dịp cuối năm “nóng” hơn bao giờ hết.
Nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi
Sáng 23.1, vừa xuống bến xe Giáp Bát (Hà Nội), chị Lê Thị Na (Ý Yên, Nam Định) gặp một người phụ nữ đứng tuổi tiếp thị và đưa cho một tờ rơi với lời nhắn nhủ: “Nếu muốn tìm việc cứ liên hệ tới số này, họ sẽ giới thiệu việc làm với mức phí chỉ 100.000 đồng”.
Chỉ 10 phút sau, lại có 2 người tới phát tờ rơi cung ứng việc làm. Chìa cho chúng tôi 3 tờ rơi vừa nhận được, chị Na băn khoăn: “Tôi không biết các địa chỉ này ở đâu nên chưa dám đến, phải vào chỗ người quen xem thế nào đã”.
Nhiều lao động nông thôn ra thành phố kiếm việc làm thêm trong dịp tết. |
Chị Nguyễn Thị Lan (Phố Nối, Hưng Yên) cũng vừa ra tới Hà Nội kiếm việc làm thêm lấy tiền tiêu tết. Vì làm lâu năm nên chị thuộc đủ chiêu lừa đảo. Từ việc lừa đóng tiền phí cho tới việc thuê làm rồi quỵt nợ, thậm chí là lừa đảo, quấy rối tình dục… “Lần đầu tiên lên Hà Nội đi làm, tôi được một công ty môi giới giới thiệu vào làm giúp việc cho một gia đình tại Long Biên. Lương là 2 triệu đồng/tháng, với điều kiện phải đóng phí 500.000 đồng. Đóng tiền xong, họ đưa tôi đi làm ngay, nhưng thực tế công ty đã giới thiệu tôi tới những “địa chỉ ma” do chính họ tạo ra” – chị Lan trần tình.
Lên Hà Nội làm thuê đã được 1 tuần, chị Chu Thị Nguyệt (Quảng Xương, Thanh Hoá) vẫn không hết ấm ức khi bị lừa ngay từ ngày đầu tiên. Chị Nguyệt kể: “Lần đầu tiên tôi được một người thuê về dọn nhà để đón tết. Theo thoả thuận, tôi sẽ dọn nhà một ngày, tiền công là 400.000 đồng.
Đợi lúc tôi dọn nhà gần xong, ông chủ giở trò trêu ghẹo, cũng đúng lúc đó chị vợ về. Không để tôi giải thích, bà vợ hô hoán kêu người đánh hội đồng. Kết quả, tiền không lấy được mà còn suýt mất mạng. Mãi sau này tôi mới biết, đấy là “chiêu lừa” của vợ chồng họ để quỵt tiền công của tôi” – chị Nguyệt nghẹn ngào.
Khó quản lý, xử phạt
Trao đổi về vấn đề lừa đảo LĐ cuối năm, bà Lương Phương Oanh - quyền Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết: Những công việc thời vụ như dọn nhà, kiểm hàng, vận chuyển hàng, trông nhà… nếu không cẩn trọng, không có kinh nghiệm, LĐ sẽ không hoàn thành công việc (dọn nhà không sạch, vận chuyển hàng thì đổ vỡ…). Chỉ một cớ nhỏ này thôi cũng khiến cho chủ thuê từ chối trả lương, thậm chí đánh đập.
Bà Lương Phương Oanh
Về phía đơn vị quản lý, ông Phạm Văn Thanh – Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: “Đa phần các vụ lừa đảo đều được thực hiện ở những nhóm LĐ yếu thế như: LĐ tay chân, LĐ từ quê ra, LĐ là sinh viên, học sinh… Tuy nhiên từ trước tới nay Sở cũng chỉ mới nghe qua phản ánh chứ chưa có LĐ nào tới tố cáo, cung cấp chứng cứ nên việc xác minh, xử lý còn gặp nhiều khó khăn”.
Ông Thanh cũng thừa nhận thực tế, LĐ tự do không thuộc diện quản lý nên nguy cơ bị lừa đảo là rất lớn, nhưng việc xử lý đòi quyền lợi cho họ vẫn còn bỏ ngỏ.
Minh Nguyệt