Được mệnh danh là “Người đàn bà hát”, sống bản năng, nhưng ít ai biết rằng, Thanh Lam còn có một đam mê khác. Một đam mê mà bất cứ người đàn ông nào khi gặp và yêu chị cũng đều mê mệt và không dứt ra được, đó là nấu ăn. Với Thanh Lam nấu ăn không chỉ đơn thuần là một bữa cơm ngon, những thức ăn hợp khẩu vị mà các món ăn dường như có vị trí lớn lao hơn thế, nó chứa đựng sự yêu thương ngọt ngào trong từng món ăn.
“Người đàn bà hát” bây giờ đã khác, biết kìm cơn nóng, biết nhẫn để nhìn cái được và cái mất trong cuộc sống thật nhẹ như làn gió thổi qua. Chị đã chia sẻ cởi mở với Dân Việt sau một năm rưỡi ấp ủ kinh doanh nhà hàng ăn uống.
Diva Thanh Lam trổ tài nấu ăn
Chào chị Thanh Lam, thời gian gần đây có vẻ chị vắng bóng trên sân khấu. Dường như Tham Lam bây giờ chỉ đam mê nấu ăn và kinh doanh. Vậy lý do nào Thanh Lam lại chuyển hướng và chọn thời điểm này để xoay sang kinh doanh?
- Tôi nghĩ điều gì cũng có thời điểm của nó. Trước đây, có thể sân khấu, âm nhạc là đã chiếm hơn 50% trong suy nghĩ của tôi, nên lúc đó tôi chưa muốn mình làm gì khác. Còn thời điểm hiện tại, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm vui, buồn, bình yên, sóng gió…tôi lại muốn mình được trải nghiệm ở một lĩnh vực khác.
Bất cứ ai, trong cuộc đời cũng đều có những cánh cửa bí mật và ở thời điểm nào thì cánh cửa đó được mở ra. Với tôi, cánh cửa bí mật bây giờ mới được mở ra để bạn bè, khán giả, người yêu nhạc biết đến, đó là "Thanh Lam miền ẩm thực".
Mà theo tôi, miền ẩm thực cũng là một lĩnh vực mà con người đặc biệt với những người nghệ sĩ thì tính sáng tạo cũng không khác so với sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí tính sáng tạo còn không có giới hạn.
Từ nhỏ tôi sinh ra trong môi trường âm nhạc nhưng hay được mẹ thưởng quà bằng những món ăn ngon, mà tôi lại là cô bé khoẻ mạnh, thích ăn uống. Nên ký ức tuổi thơ của tôi, mùi vị các món ăn do mẹ nấu cứ ám ảnh tôi mãi.
Trước đây thi thoảng tôi vẫn trổ tài nấu ăn và mời bạn bè, đồng nghiệp thân thiết tới nhà tụ tập ăn uống. Khi mọi người thưởng thức các món tôi nấu đều khen rất ngon và tôi thấy mình nấu ăn không quá tệ. Điều đó khiến tôi quyết tâm hơn khi quyết định kinh doanh, mở nhà hàng.
Vậy những món ăn chị nấu sẽ theo phong cách như thế nào, châu Ấu, châu Á hay là món ăn truyền thống của Việt Nam?
- Tôi là người yêu thích những món ăn mang đậm nét dân gian, nên trong thực đơn của tôi, các món ăn trên nền truyền thống, hay châu Âu, châu Á nhưng lại được tôi đưa nét hương vị đặc trưng vào món ăn. Đặc biệt tôi cố gắng sáng tạo để có vị riêng của Thanh Lam. Ví dụ với món sashimi theo phong cách của Nhật Bản, nhưng tôi sáng tạo thêm có nồi nước nhúng có vị mẻ giành cho khách không thể ăn cá sống.
Với tôi, mỗi món ăn đó luôn luôn gắn liền với kỷ niệm, ký ức tuổi thơ của tôi ví dụ như món “Cơm gà quê cha”. Đây là món ăn tôi đã được ba đưa về quê nội chơi khi còn bé.
Nghe chị nói về các món ăn có vẻ rất ngon và hấp dẫn. Vậy chị có thể tiết lộ, người đàn ông của mình thích ăn nhất món gì chị nấu?
- Tôi nghĩ, hát và nấu ăn không khác nhau. Tôi không thể hát cho các nhà báo thì tôi sẽ hát cho tròn vai, còn hát cho các doanh nghiệp, được thu tiền thì sẽ hát nhiệt tình hơn. Dù nấu ăn hay hát cũng vậy, giống như công việc bắn súng. Ở cự ly nào, khi phát súng nổ ra đều mạnh và chỉ có một đường đi thẳng mà thôi.
Vì vậy, nấu cho khách, cho con, hay cho người đàn ông mình yêu thương cũng sẽ có một tâm thế, đong đầy sự yêu thương và trách nhiệm.
Còn với câu hỏi của bạn thì tôi nghĩ, khi yêu một ai đó, tất cả những món ăn bạn làm người đàn ông của mình sẽ đều cảm thấy ngon. Dù đó có thể là một bát mì tôm úp vội, một lon bia trong tủ lạnh nhưng được bạn rót trong cảm xúc đong đầy yêu thương thì họ đều cảm thấy rất ngon. Tất cả đều được làm bằng tình yêu mà. Còn nếu khi đã ghét nhau thì dù mình có hoàn hảo người ta vẫn sẽ tìm ra gót chân A sin của mình để chê trách.
Vậy với chị, kể từ khi mở cánh cửa mới, chị đã học hỏi được điều gì?
- Khi tôi tham gia các khoá thiền tôi đã được gặp gỡ các thầy và được chỉ giáo rất nhiều điều, trong đó điều mà tôi cực kỳ tâm đắc. Đó cũng là điều khiến tôi rất vui vì mình đã sửa được.
Bình thường mọi người vẫn biết tôi là người thẳng tính và nóng tính. Thích thì sẽ nói luôn mà không phải e ngại. Sự nóng tính này của tôi lại càng tăng khi phải đứng bếp. Mỗi khi đứng bếp, tôi dễ cáu gắt bởi, sự nóng bức, nhễ nhại mồ hôi cho đến khâu chuẩn bị nguyên liệu.
Tuy nhiên, gặp các sư thầy, tôi đã được chỉ giáo, nấu ăn cũng là một sự khổ luyện. Món ăn không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là liều thuốc tinh thần. Nếu như bạn nấu ăn trong cáu gắt, món ăn đó dễ trở thành thuốc độc cho chính người thân yêu của mình. Nghe những điều này từ các thầy tôi đã ngộ ra và tự rèn cho mình được sự nhẫn. Tự điều chỉnh và không còn nóng tính, cáu gắt mỗi khi vào bếp.
Điều thứ hai là tôi đã tạo được thói quen dậy sớm. Ngày trước với tôi dậy sớm là cực hình. Bởi thói quen của người nghệ si biểu diễn muộn và sáng hôm sau dậy muộn. Nhưng kể từ khoá tu và cho tới giờ là đứng bếp, mỗi sáng cứ 5h là tôi dậy mà không còn cảm thấy quá khó khăn.
Diva Thanh Lam chăm chút, tỉ mẩn cho món "Cơm gà quê cha"
Đã rất nhiều nghệ sĩ cũng mở nhà hàng, tuy nhiên sau đó họ không thành công thậm chí là phá sản. Vậy với chị, chị có e ngại?
- Tôi có một may mắn khi mở nhà hàng không phải chỉ một mình tôi. Đằng sau tôi còn có một người bạn doanh nghiệp làm chung. Tất cả mọi tính toán, kinh doanh về tài chính đã có bạn ấy lo cho tôi. Tôi chỉ có nhiệm vụ sáng tạo và thiết kế những món ăn không chỉ ngon mà còn tinh tế, mang tính nghệ thuật trong cách trình bày và cố gắng đưa những nét văn hoá, hồn Việt vào trong từng món ăn.
Tất nhiên tôi cũng có những sự chuẩn bị và nói với các con. Thành công hay thất bại mẹ đều làm hết khả năng của mẹ. Nếu trời thương thì thành công, còn nếu thất bại mình cũng sẽ phải chấp nhận vậy thôi.
Đam mê, đắm đuối với nấu bếp như vậy, đến khi nào thì Thanh Lam sẽ trở lại với âm nhạc?
- Tôi chỉ cho phép đến khoảng giữa tháng 8 là mọi thứ phải hoàn chỉnh đi vào hoạt động ổn định. Lúc đó tôi sẽ quay lại với âm nhạc. Cuối năm nay tôi sẽ làm một liveshow do nhạc sĩ Quốc Trung làm giám đốc sản xuất âm nhạc.
Theo anh Quốc Trung thời gian qua, tôi đã tham gia các khoá tu nên liveshow lần này tính thiền sẽ xuyên suốt đêm nhạc. Anh Quốc Trung không muốn một Thanh Lam mạnh mẽ, máu lửa như trước mà thay vào đó sẽ gói gém trong sự sâu lắng hơn.
Nói như vậy sẽ không có một Thanh Lam gào thét, lên đồng như mọi khi?
- À điều này thì tôi cũng chưa chắc đâu. Chưa thế biết trước được. (Cười)
Nhưng tại sao lại là Thanh Lam – Quốc Trung mà không phải một nhạc sĩ khác cho có sự mới mẻ, khác lạ?
- Tôi nghĩ, tôi và nhạc sĩ Quốc Trung đã là đôi bạn tri kỷ trong con đường âm nhạc. Chúng tôi rất ăn ý, hiểu nhau trong âm nhạc. Ngoài ra nhạc sĩ Quốc Trung luôn muốn tốt nhất cho tôi, nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh ấy.
Hơn nữa tôi và nhạc sĩ Quốc Trung đồng trang lứa, không quá khoảng cách về tuổi tác nên nhận thức về cuộc sống. Cách nhìn về âm nhạc đều tương đồng nên chia sẻ, trao đổi cũng dễ hơn.
Rất nhiều ca sĩ nói rằng, kết hợp với nhạc sĩ mới sẽ khiến cho họ có động lực hơn trong sự sáng tạo. Chị có nghĩ vậy?
- Tất nhiên rồi. Thú thực cũng có những lúc tôi suy nghĩ về điều này và đã thử đặt vấn đề với một vài nhạc sĩ khác như: nhạc sĩ Lưu Hà An, Đỗ Bảo…
Tuy nhiên họ đều từ chối và nói với tôi: “Chị ơi, không ai có thể làm hay hơn anh Quốc Trung đã và đang làm cho chị. Bọn em không thể làm được điều anh Quốc Trung đang làm. Chị chỉ có thể trông cậy vào anh Quốc Trung thôi. Bọn em không thể vượt qua cái bóng của anh ấy để làm tốt hơn cho chị đâu”
Thậm chí khi tôi mời các bạn nhạc sĩ trẻ làm đĩa cho tôi, họ cũng hỏi: “Chị đã hỏi ý kiến anh Quốc Trung chưa”. Vậy đấy, tôi cũng muốn thay đổi, tạo sự mới lạ với nhạc sĩ khác đó chứ nhưng không được.
Vậy theo chị đây là một điều may mắn hay đó là một rào cản khi muốn thay đổi sự khác lạ trong các sản phẩm âm nhạc của mình?
- Tôi nghĩ mọi thứ trong cuộc sống hãy để thuận theo tự nhiên. Biết đâu đến một thời điểm nào đó, có một nhạc sĩ trẻ nào đó kết nối được với tôi chăng. Các cụ đã dạy rồi, “Thiên thời địa lợi nhân hoà”. Biết đâu một lúc nào đó, tôi sẽ có duyên với nhạc sĩ trẻ.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!