Dân Việt

Vụ bé trai 11 tháng bị mẹ đâm: Lời kể kinh hoàng từ bà ngoại

Hoàng Lê 18/07/2018 21:27 GMT+7
"Lúc đó tôi đang quét sân thì nghe thằng cháu lớn chạy ra nói ngoại ơi vào ẵm em gấp, mẹ đem em vô nhà tắm rồi. Tôi chạy vào nghe bé T. hét lên thì đạp cửa xông vô nhà tắm. Mẹ nó chạy ra, còn nó bị mẹ đâm thì nằm dưới sàn...".

Đó là lời kể đầy cay đắng và sợ hãi mà 3 ngày sau khi sự việc bé H.P.T (11 tháng tuổi) bị chính mẹ ruột là chị H.M.P (31 tuổi, quê TP.HCM) đâm thủng ruột, bà Lê Kim Hoàng (bà ngoại bé T.) vẫn còn bật khóc khi nhớ lại.

img

Bé H.P.T. (11 tháng tuổi).

Đang cho con bú thì đâm con

Những ngày qua bà Hoàng phải chạy ngược chạy xuôi, hết vào viện trông cháu nhỏ lại về căn nhà nhỏ tại quận 12 (TP.HCM) lo cho cháu lớn. Nỗi nhọc nhằn hiện rõ trên đôi mắt người bà tội nghiệp, kể từ khi bé T. bị chính mẹ ruột dùng hung khí đâm nhiều nhát vào bụng vào chiều 15/7.

img

Bà Lê Kim Hoàng, bà ngoại bé T.

"Lúc đó là gần 16 giờ chiều. Tôi tưởng nó về thăm con, đâu có ngờ nó muốn giết con. Nhà khi ấy chĩ còn nó, con trai 10 tuổi, con út và một người dì đang bị bệnh, không thể làm được gì. Nó nằm võng cho thằng nhỏ bú.

img

Bé được đặt hậu môn tạm bên ngoài.

Khi tôi đang quét rác ngoài sân thì thằng lớn chạy ra hoảng hốt kêu tôi, nói mẹ ẵm em vô nhà tắm đóng cửa lại rồi. Tôi thấy kỳ lạ mới bước vô, nghe tiếng bé T. hét lên liền đạp cửa nhà tắm la lên: P. ơi P., mở cửa!".

Lúc người con gái chạy ra cũng là thời điểm bà H. chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Bé T. nằm thoi thóp dưới sàn nhà tắm, ruột trong ổ bụng lòi ra.

"Tôi điếng hồn, muốn chết đứng, sợ mà đau lòng không dám ẵm cháu ngoại lên. Thằng nhỏ còn tỉnh, mở mắt nhìn tôi. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng như vậy trong đời. Tôi không biết, không nhớ phải làm gì nữa. Đáng ra tôi phải lấy khăn sạch quấn bụng nó lại, mà tôi rối quá. Tôi ôm nó chạy ra đường, la làng lên cấp cứu" - bà Hoàng bật khóc.

Một người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu chạy vào bảo đứa cháu lớn lấy áo khoác quấn em lại rồi nhanh chóng lấy xe máy chở lên Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định. Trong thời gian di chuyển, có hai người đi đường biết chuyện đã chạy lên phía trước để phân làn xe cho hai bà cháu đến BV nhanh hơn.

img

Vết thương thủng ruột ghê rợn mà bé T. phải gánh chịu được các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật ngay trong đêm.

"Tôi không kịp đội nón bảo hiểm, xe chạy rất nhanh. Lúc tới BV bé không còn khóc, mặt đã tái xanh. Bác sĩ mới cấp cứu, băng lại rồi truyền nước và chuyển qua BV Nhi đồng 2. Hai đêm kể từ lúc bé phẫu thuật, tôi không thể nào chợp mắt được" - người bà nói trước cửa khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nơi bé T. được điều trị.

Trở về từ cõi chết

BS Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại thần kinh cho biết, khi được chuyển đến bệnh nhi có nhiều vết thương thấu bụng, lòi các cơ quan trong bụng ra. Bé có tổng cộng 8 vết thủng, gồm 5 vết ở ruột non và 3 vết ở ruột già. Vì không thám sát được vết thương do vật sắc nhọn gây tổn thương đến mức độ nào nên cần phải mổ càng sớm càng tốt.

img

Khoa Hồi sức, nơi bé được điều trị những ngày nay.

Nhận được tin báo, BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2 đã trực tiếp chỉ đạo tập trung nhân lực, bằng mọi giá phải cứu sống em bé.

img

Bác sĩ Nguyễn Hiền thăm khám cho bệnh nhi.

Ekip điều trị đã tiến hành phẫu thuật ngay trong đêm, khâu lại các vết thủng kết hợp đưa ruột qua da, đặt hậu môn tạm cho bệnh nhi. May mắn là bệnh nhi không bị thủng gan, lách và không trúng các mạch máu. Sau ca phẫu thuật, tình trạng tri giác của bé tỉnh táo, huyết động ổn định.

img

Đường chỉ khâu hiện rõ trên bụng bé sau sự việc kinh hoàng.

Dù vậy theo bác sĩ, vết thương ở ruột cũng có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, tắt ruột. Hậu phẫu, vấn đề kiểm soát xì rò vết thương cũng cần lưu tâm.

"Dự kiến nếu tình trạng ổn định, bé sẽ được chuyển xuống khoa Ngoại tổng hợp trong ít ngày tới. Nếu đáp ứng điều trị tốt, trong một tuần bệnh nhi có thể xuất viện. Sau đó theo thời gian khi lành vết thương, bệnh nhi sẽ trở lại để đóng hậu môn tạm"- BS Nguyễn Hiền, Phòng Chỉ đạo tuyến của BV chia sẻ.

img

Hiện sức khỏe bé T. đã ổn định.

Bà Lê Kim Hoàng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa con gái bà xuống một trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần ở quận Thủ Đức. Trước đó, chị P. đã mắc bệnh từ vài năm nay nhưng chỉ điều trị ngoại trú.

Theo lời bà ngoại, sau khi li dị chồng cũ và để 2 cháu nhỏ cho bà nuôi, chị P. sống với người mới. Về phần bà Hoàng sau khi chồng mất, bà cùng 4 người con con lại từ quận Bình Thạnh xuống quận 12, mua một ngôi nhà nhỏ tá túc.

Mỗi ngày, người bà đẩy xe bánh mì thịt ra đường bán nhưng chỉ được vài chục ngàn, đủ mua sữa cho các cháu. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, sự việc đau lòng vừa xảy ra lại góp phần bóp nghẹt cuộc sống của họ.

Ngày 17/7, đại diện UBND quận 12 đã đến BV Nhi đồng 2 để thăm hỏi, hỗ trợ một phần chi phí cho bé T. Phòng CTXH của BV cũng cho biết đã tìm dc nguồn tài trợ về viện phí cũng như tả sữa cho bé.