Trong cuộc trao đổi với Dân Việt, bà Vũ Thu Hương nhấn mạnh: “Tôi không đồng tình với ý kiến của nhiều người cho rằng các em là nạn nhân. Những bạn học sinh ấy không phải là trẻ em, họ đã đủ 18 tuổi, hoàn toàn có khả năng nhận thức, tự quyết về tương lai và cuộc sống của mình. Các bạn ấy hoàn toàn có thể lên tiếng nếu không muốn được cha mẹ tác động để nâng điểm. Hoặc giả sử như khi bị bố mẹ tác động nâng điểm mà không biết, nhưng nhận kết quả rồi, thấy có sự chênh lệch, sai sót thì cũng nên lên tiếng, đằng này các bạn ấy lại im lặng”.
Bà Vũ Thu Hương
Nhìn rộng hơn, bà Hương cho rằng những hành động sai trái khiến các em quen sống trong một môi trường giáo dục với những gian lận như vậy nên xem nó như việc rất bình thường.
“Có thể trong đầu những ông bố bà mẹ này chỉ quan tâm tới bệnh thành tích, với họ kết quả quan trong hơn cả quá trình. Thước đo chuẩn mực của gia đình được đánh giá qua thành tích học tập của con cái. Chính vì vậy, họ cảm thấy tự hào vì có thể chạy chọt, nâng điểm cho con vào đại học” - bà Hương nhận định.
Trong quá trình giảng dạy, bà Hương cho biết, bà từng tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ, đậu ĐH điểm số khá cao nhưng kiến thức nền lại thiếu hụt nghiêm trọng. Rất nhiều bạn trẻ thay vì cảm thấy xấu hổ thì lại cảm thấy tự hào vì nghĩ bố mẹ mình có tiền, mình có quyền và mình sẽ đậu trường ĐH tốt. Tương tự, nhiều bậc bố mẹ không nghĩ việc chạy chọt, nâng điểm thi đó là việc gì ghê gớm mà xem đó là việc "hoàn thành nghĩa vụ".
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhận trách nhiệm để xảy ra vụ gian lận điểm thi khiến dư luận rúng động. Ảnh IT
Không chỉ vướng vào thành tích, nhiều gia đình còn “chạy đua” để con được bằng bạn, bằng bè. Xem đó là việc tất yếu trong cuộc sống. Chính họ là những người đã làm mất niềm tin trong ngành giáo dục.
“Nhiều bậc làm cha, làm mẹ rất coi thường pháp luật, xem việc phạm luật là việc bình thường. Thế nhưng khi con học theo cũng phạm luật thì bố mẹ lại cho rằng đó là do lỗi của nhà trường và xã hội” – bà Hương nói.
Đề cập tới những hậu quả từ hành động cố tình gian lận, nhằm thay đổi kết quả điểm thi của con tại Hà Giang, bà Hương cho rằng đây là việc làm rất xấu. Đã là xấu thì đương nhiên nó sẽ để lại những hậu quả không tốt. Nếu mọi thứ đến quá dễ dàng thì hậu quả là người trẻ ngày càng vô ơn, sống vô trách nhiệm. Đương nhiên, các bạn ấy cũng sẽ có những vốn kiến thức cực tệ, kèm theo đó là thái độ sống kém tích cực, không chịu nỗ lực, tin vào may mắn và chờ sự ăn may.
Đặc biệt, những hành động đó sẽ gây mất niềm tin trong xã hội. Từ việc bị xói mòn niềm tin, con người có thể buông bỏ không còn ý chí phấn đấu, hoặc mọi người bị mất phương hướng sẵn sàng đi theo cái xấu, bị cái xấu lôi kéo.
“Xã hội nào cũng tồn tại cái tốt và cái xấu, nhưng chúng ta nên cố gắng sống hướng về cái tốt. Nếu có một nền tảng giáo dục tốt từ trong gia đình thì con người sẽ sống tốt hơn, tránh xa được những cám dỗ của sự sai trái” – bà Hương nhận định.
Dù không thiếu tiền bạc để hưởng thụ song họ vẫn sở hữu thành tích học tập đáng nể.