Không có điểm kết thúc
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018 – 2020 được Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM, động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
OCOP sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hoá, dịch vụ nông nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện OCOP, kêu gọi các tổ chức tài chính, tín dụng sớm có chương trình tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho OCOP.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng OCOP. Ảnh: N.T
OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu, đồng thời chỉ ra chủ thể thực hiện là hộ gia đình, HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách. Chính quyền, Nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, người dân”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng như chương trình xây dựng NTM, OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết để tiếp tục triển khai lâu dài.
Nhân rộng thành công của Quảng Ninh
Trọng tâm của Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Đồng thời, hạn chế và giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, giữ ổn định xã hội khu vực nông thôn, nhằm thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM.
Bắc Giang nổi tiếng là nơi có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, như gà đồi Yên Thế.
Đơn cử như tại Bắc Giang, địa phương này có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Do đó, tỉnh đã xác định đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; đào tạo tập huấn về quản lý cho 100% cán bộ thực hiện chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ tham gia OCOP.
Cụ thể, phát triển và tiêu chuẩn hoá ít nhất 50% sản phẩm hiện có; phát triển 5 - 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao; phát triển 6 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với du lịch... Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 170 loại sản phẩm tham gia chương trình OCOP, với 5 - 6 sản phẩm đạt 5 sao.
Gà đồi Yên Thế là một sản phẩm OCOP của Bắc Giang. Ảnh" N.T.
Mục tiêu của Bắc Giang không quá khó đạt được, khi nhìn sang Quảng Ninh, tỉnh “hàng xóm” với nhiều điểm tương đồng đã triển khai OCOP cách đây hơn 4 năm với những thành tựu khả quan. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, tỉnh đã có 294 sản phẩm với sự tham gia của gần 180 tổ chức sản xuất, có 7 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Các sản phẩm đạt 5 sao đều phải tuân thủ nguyên tắc chấm sao rất ngặt nghèo.
Quảng Ninh cũng phấn đấu đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, xây dựng và quản lý OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh.
"OCOP không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, nhằm quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới. Việc Chính phủ chỉ đạo phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, HTX kiểu mới sẽ hỗ trợ rất tốt cho Chương trình OCOP để triển khai sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường”. Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |