Cùng thời điểm xảy ra vụ cử cán bộ đi nước ngoài gây xôn xao tại Bình Thuận, tại Bắc Giang, dư luận xôn xao việc có nhiều lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này đi du lịch nhiều nước châu Âu trong thời gian dài cũng bằng tiền tài trợ của một DN lớn trên địa bàn tỉnh này về lĩnh vực xây dựng với “tình cảm riêng” với cán bộ “sau một năm công tác, làm việc vất vả”.
Cán bộ “du học” bằng tiền doanh nghiệp
Theo tìm hiểu của PV, thực trạng quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài bằng tiền đài thọ của DN không phải hiếm. Đặc biệt, việc sử dụng cán bộ sắp về hưu hoặc những cán bộ không liên quan tới chuyên môn nghiệp vụ đi học tập kinh nghiệm nước ngoài dùng tiền ngân sách đã và đang khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.
Điển hình, năm 2014, tỉnh Tiền Giang đồng ý với đề xuất của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang cử 2 đoàn cán bộ sang Mỹ để học tập kinh nghệm làm xổ số. Toàn bộ kinh phí chuyến đi sử dụng từ nguồn hoạt động kinh doanh năm 2014 của công ty, riêng tiền tiêu vặt của 5 cán bộ lãnh đạo tỉnh lấy từ nguồn kinh phí của Sở Ngoại vụ.
Năm 2015, tỉnh này cũng cử cán bộ đi “học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập do tác động biến đổi khí hậu toàn cầu” tại Hà Lan và Nga với đoàn gồm 14 người là cán bộ nhà nước và 6 chủ DN. Trong đó, hầu hết là cán bộ sắp về hưu hoặc cán bộ không thuộc chuyên môn hay chuyên gia. Trước những bức xúc của dư luận, báo chí vào cuộc phanh phui, phản ánh thì mới bị hủy bỏ.
Một đoàn cán bộ đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm” do DN tài trợ. Ảnh: Soha
Hay mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của 4 bộ và 6 tỉnh bộ giai đoạn 2012-2016. Theo đó, các bộ gồm Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Thông tin và Truyền thông... giai đoạn 2012-2016 đã cử tổng số 14.677 đoàn, với gần 42.000 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng kinh phí dành cho các chuyến đi này vào khoảng 1.004 tỷ đồng; 6 tỉnh thành gồm Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Đăk Lăk, Đồng Nai và Tiền Giang đã cử hơn 2.900 đoàn với khoảng 10.900 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng kinh phí dành cho các chuyến đi này vào khoảng 261 tỷ đồng.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
"Việc lập kế hoạch của các bộ, ngành địa phương không sát với thực tế. Nhiều đoàn được duyệt nhưng không thực hiện, trong khi có nhiều đoàn không được duyệt lại phát sinh và chưa tuân thủ quy định, thủ tục phê duyệt" - kết quả thanh tra nêu rõ và chỉ ra rằng: Việc lập, duyệt đoàn còn bất hợp lý về thời gian, bố trí lãnh đạo đi nước ngoài quá nhiều; việc thanh toán kinh phí cho đoàn chưa nhất quán… Đáng lo ngại, đã không có bộ, ngành, địa phương nào theo dõi, tổng hợp số liệu tài chính ngoài ngân sách chi trả cho các đoàn ra nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên NTNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Phần lớn các doanh nghiệp tài trợ cho quan chức đi nước ngoài xem đây là một cách đầu tư cho mối quan hệ. Nếu không cẩn thận, điều này có thể biến thành một cách tham nhũng, một hình thức đưa và nhận hối lộ một cách tinh vi và công khai.
“Những người sắp về hưu cũng như những người không làm chính sách, làm việc ở các bộ máy phục vụ đi theo kiểu chính sách “nháy nháy” thì đấy là một dạng tham nhũng. Nếu lấy tiền ngân sách thì đó là tham nhũng ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân; còn lấy tiền của DN thì cũng là một dạng tham nhũng” – bà Lan bày tỏ quan điểm.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, điều quan trọng của việc cán bộ ra nước ngoài là học và làm được gì. Đã có nhiều đoàn cán bộ ra nước ngoài cũng như được các tổ chức nước ngoài trực tiếp giải dạy ở Việt Nam nhưng phần đa không hiệu quả, chất lượng cán bộ hiện nay có vấn đề nhiều hơn.
Theo bà Lan các cơ quan bộ, ngành phải có trách nhiệm trong việc này bởi các đoàn đi như vậy phải có sự phê duyệt của cơ quan, trừ khi đó là những tổ chức tư đi bằng tiền và tự bố trí.
Nói về việc nhiều cơ quan cử cán bộ đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước chưa hiệu quả, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận định: “Theo cách nhìn của tôi, việc đi công tác, học tập, thăm làm việc hiệu quả còn rất thấp. Còn tiền chi phí quá cao không tương xứng với kết quả mong đợi, nhưng biết đâu nó sẽ đem lại những mối lợi khác, kết quả khác”.
Được biết, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra đối với các bộ, ngành địa phương về việc này. Trong đó sẽ xem xét hiệu quả, kết quả từ việc sử dụng ngân sách đi nước ngoài có thất thoát hay không.
Cũng nhìn nhận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng: Việc cử cán bộ, đoàn đi học tập tại nước ngoài là cần thiết, nhưng phải có chế tài với những đoàn đi không mang lại hiệu quả.
“Nếu cần thiết phải thanh tra các bộ, ngành, địa phương về việc cử cán bộ, đoàn đi học tập, làm việc tại nước ngoài thời gian qua. Cơ quan nào đi mà không hiệu quả, hay thành phần đi không đúng thì phải làm rõ trách nhiệm quản lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó”, ông Phương nói.
Chỉ thị số 21 ngày 21.12.2012 của Ban Bí thư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã yêu cầu chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Theo đó, việc đi nước ngoài cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lặp với các đoàn đi trước; trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất, hoặc công việc thật cần thiết. Không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của một bộ ngành, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài. Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt của bộ ngành, địa phương không tham gia đoàn của các DN đi nước ngoài hoặc do các DN nước ngoài mời đích danh... |