Dân Việt

Gian lận thi cử ở Hà Giang: 'Phù phép' đưa con lãnh đạo vào tròng?

P.H 20/07/2018 07:42 GMT+7
Điểm thi của con gái Bí thư Hà Giang lần lượt là Toán 9,4; Văn 7,5; Tiếng Anh là 10 điểm và đạt tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Sau khi chấm thẩm định, số điểm giảm xuống còn Toán 6; Văn 7,5; Tiếng Anh là 8 và tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5.

Mặc dù Bí thư Hà Giang kiên quyết khẳng định không có chuyện nhờ nâng điểm, thế nhưng không ít phụ huynh cho rằng không thể loại trừ khả năng là người thân, họ hàng ruột thịt muốn “phù phép” điểm thi con em.

Chiều tối qua (19/7), liên quan tới quá trình xử vụ việc “phù phép” điểm thi, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 02/QĐKTVA khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.

Đến thời điểm này, bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được ít nhất một người có hành vi vi phạm “phù phép” gây sai lệch kết quả 330 bài thi – ông Vũ Trọng Lương – Phó Trưởng phòng khảo thí, Sở Giáo dục – Đào tạo Lạng Sơn.

Tuy người phải chịu trách nhiệm khá rõ ràng, thế nhưng dư luận vẫn không thể thỏa mãn. Những ngày qua, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc có ai trợ giúp ông Lương – bởi 330 bài thi sửa sạch điểm trong 2 tiếng là điều khó tin. Bên cạnh đó, dư luận cũng không khỏi băn khoăn về việc những ai đã nhờ ông Vũ Trọng Lương thực hiện “kế hoạch động trời”. Bởi trong số các bài thi được sửa kết quả, nhiều bài thuộc về các thí sinh là con em lãnh đạo cấp cao ở Tỉnh.

img

Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Một ví dụ đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi là trường hợp con gái Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh học chuyên Anh tại Trường THPT chuyên Hà Giang, có số báo danh 0530027xxx trong chấm thẩm định đợt vừa qua có 2 môn bị sụt giảm điểm.

Điểm thi của con gái Bí thư Hà Giang lần lượt là Toán 9,4; Văn 7,5; Tiếng Anh là 10 điểm và đạt tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Sau khi chấm thẩm định, số điểm giảm xuống còn Toán 6; Văn 7,5; Tiếng Anh là 8 và tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5.

Rất nhanh chóng, ông Triệu Tài Vinh đã sớm có câu trả lời với báo chí về điểm số "nghi vấn" của con gái mình rằng: “Cháu học như thế nào thì trường biết, lớp biết và mọi người biết cả. Báo chí có thể vào trường chuyên Hà Giang để nắm thông tin. Nếu, cháu nó học kém, hoặc tôi phải chạy vạy vào trường chuyên, tôi chịu trách nhiệm. Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.

Mặc dù kiên quyết khẳng định không có chuyện nhờ nâng điểm, thế nhưng không ít phụ huynh sau khi đọc những lời của vị Bí thư Hà Giang nêu ý kiến rằng, nếu không phải là lãnh đạo thì không thể loại trừ khả năng là người thân, họ hàng ruột thịt.

“Có thể lãnh đạo không nhờ nâng điểm, nhưng có dám chắc chắn vợ mặc kệ kết quả thi của con? Tôi là một người mẹ có con thi THPT năm nay, dù không giàu có, nhưng tôi cũng phòng đủ phương án để cố gắng hết sức cho con đỗ đạt vào trường tốt. Con cái là niềm tự hào, tương lai của bố mẹ. Và nói thật, nếu con thiếu chút điểm, lo được tôi sẽ lo dù biết điều này là trái pháp luật nhưng vẫn liều, nên thế mới nói “cá cuối đắm đuối vì con”, chị N.M (Hà Nội) nêu ý kiến.

Thật vậy, việc cha mẹ lo cho con cũng là điều dễ hiểu, tấm bằng Đại học luôn là mơ ước của bất kỳ thí sinh nào khi bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Bằng Đại học rất nhiều năm nay vẫn được xem là “tấm vé” bước vào đời, nuôi sống bản thân và ước mơ làm giàu. Không đỗ tốt nghiệp, đại học, con đường tương lai với các thí sinh nói riêng và gia đình các em nói riêng luôn bị coi là “mờ mịt”.

Dẫu vậy, việc gian lận điểm số là chuyện vi phạm pháp luật, dù cho có lý do nào đi chăng nữa thì đó là hành vi đang xấu hổ và phải bị nghiêm trị. Nhìn lại vụ việc điểm thi ở Hà Giang, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, sớm muộn thì những ai nhắn tin nhờ ông Vũ Trọng Lương sửa điểm sẽ sớm bị phanh phui. Bởi cơ quan điều tra đã thu giữ được chiếc điện thoại mà ông Lương nhận tin nhắn nhờ sửa đổi, số báo danh…

Trong một diễn biến liên quan, sau “cú sốc giáo dục” Hà Giang, một loạt các tỉnh thành như Lạng Sơn, Sơn La, Bạc Liêu đều đang dấy lên nghi vấn điểm thi bất thường trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi.

Mới đây, trước thông tin dư luận về 35 thí sinh có điểm thi bất thường, đầy nghi vấn, Phó Chủ tịch Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho hay: “Sẽ trực tiếp xem kết quả đối chiếu bài thi của 35 thí sinh đó xem có vấn đề gì không".

Nhiều phụ huynh bày tỏ đồng tình với lời phát biểu của ông Thiệu và mong ông này nên xem xét toàn bộ các bài thi để mang lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh.

“Phó Chủ tịch đã trực tiếp xem 35 bài thi thì mong ông mở rộng xem hết các bài thi để mang lại công bằng và niềm tin cho các con học lực giỏi, vừa và yếu. Đừng để tình trạng những đứa trẻ học ngày học đêm mưu càu điểm tốt vào trường sáng giá bị đánh đồng với những học sinh học hành lơ mơ, có “bệ đỡ” một bước lên tiên...”, ý kiến của độc giả T.T.L (Quảng Bình).

Clip: Phó phòng Sở Giáo dục Hà Giang đã "phù phép" điểm như thế nào?. VNE