Nửa đêm hôm qua (19.7), trời đang mưa như trút nước bỗng từ trên đỉnh núi vọng xuống tiếng ầm ầm, nhiều người trong xóm nghèo ấy chưa ai kịp định thần được điều gì đang xảy ra thì đất, đá cây cối trôi theo dòng nước đổ xuống cuốn phăng 3 ngôi nhà. Ở trong những ngôi nhà ấy, tất thảy có gần chục con người đang ở. Chỉ ít phút sau, cả 7 con người ấy đã bị lũ cuốn, trong đó 2 người chết tại chỗ, 2 người mất tích và 3 người bị thương nặng.
Thời khắc kinh hoàng
Khu vực xảy ra trận lũ ống kinh hoàng vào nửa đêm hôm qua (19.7) bắt đầu từ trên đỉnh núi Hin Pun. Túi nước khổng lồ bị bục ra, trôi theo dòng suối Hin Pun đổ xuống phía chân núi. Lúc này, ở phía dưới dãy Hin Pun đang có tất thảy 8 hộ dân sinh sống. Dòng lũ dữ cuốn theo hàng ngàn khối đất, đá, cây cối dội xuống cuốn phăng 3 ngôi nhà. Chỉ trong chớp mắt, trong ba ngôi nhà ấy mất đi 4 người, còn 3 người khác may mắn thoát chết nhưng cũng bị thương rất nặng.
Cơn lũ kinh hoàng đổ về khiến khu vực bản Hắc, xã Trí Nang tan hoang. Ảnh: H.Đ
Những người xấu số tử vong và mất tích do trận lũ kinh hoàng gây ra, được xác định là trong một gia đình, gồm: Cụ bà Lê Thị Tặm (85 tuổi), ông Vi Văn Thiên (50 tuổi) là con trai của cụ Tặm, chị Hà Thị Biển (27 tuổi) là con dâu ông Thiên và bé gái Vi Thị Huyền Trân (5 tuổi) là con gái của chị Biển. Ngoài ra, có 3 người bị thương nặng, gồm: Chị Hà Thị Thúy (40 tuổi), anh Vi Văn Dũng (28 tuổi) là con trai ông Thiên và bà Lương Thị Hoa (51 tuổi) là vợ ông Thiên, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Đồ đạc, vật dụng của một gia đình bị lũ cuốn còn sót lại. Ảnh: H.Đ
Ông Hà Văn Đanh (62 tuổi) - bố đẻ chị Hà Thị Thúy (40 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện) - kể lại: “Tối qua mưa to quá, mưa như trút nước suốt mấy giờ đồng hồ nên tôi không dám ngủ. Gần nửa đêm, bỗng nghe ầm ầm, ù ù như tiếng máy bay tầm thấp, nên tôi chạy ra ngoài xem có chuyện gì.
Khi tôi cầm đèn pin chạy ra đến đường cái thì trước mắt mình là một cảnh kinh hoàng. Tôi không thấy ngôi nhà của con gái mình đâu cả, hai ngôi nhà của gia đình hàng xóm cũng chẳng còn gì. Tiếng người dân kêu la, gào thét trong tiếng ầm ầm của dòng lũ.
Một lúc sau, tôi nghe tiếng con gái kêu cứu ở phía một bụi cây, nên tôi hô hoán mọi người chạy lại cứu con mình. Lúc này, mọi người nháo nhác đi tìm những người hàng xóm nhưng chỉ phát hiện được cụ Tặm và ông Thiên, còn con dâu ông Thiên và cháu nội của ông ấy đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy. Thú thực, tôi sinh ra, lớn lên và sống ở đây đã hơn 60 năm rồi, mà chưa từng thấy một cảnh tượng nào kinh hoàng như vậy”.
Người dân ở bản Hắc vẫn còn bàng hoàng sau khi cơn lũ tràn qua. Ảnh: H.Đ
Còn chị Hà Thị Miên (43 tuổi, ở bản Hắc) vẫn không tin vào những gì khi cơn lũ đi qua. Ngày hôm qua, chị rời nhà mình đi qua huyện Thường Xuân thăm con gái bị ốm. Nửa đêm, chị nhận được điện thoại của hàng xóm báo cho biết, ngôi nhà của mình đã bị lũ cuốn phăng.
“Sáng nay (20.7), tôi từ nhà con gái về thì không thấy ngôi nhà của mình đâu cả. Cách đây mấy năm, tôi được Nhà nước hỗ trợ cho hơn 23 triệu đồng để dựng căn nhà này. Bây giờ, lũ cuốn hết sạch rồi, một mình tôi không biết phải xoay xở thế nào để sống” - chị Miên nghẹn ngào.
Chị Hà Thị Miên đang nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn lũ kinh hoàng. Ảnh: H.Đ
Được biết, chị Miên chỉ có một người con gái đã xây dựng gia đình, chồng chị qua đời đã lâu, hoàn cảnh của chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Cách đây mấy năm, chị Miên được Nhà nước hỗ trợ tiền để xây dựng nhà theo Nghị định 167. Sáng nay, chị Miên từ nhà con gái trở về thì ngôi nhà chỉ còn trơ lại những khối đá mồ côi. Những vật dụng trong nhà của chị chỉ còn lại vài chiếc chăn chiên, quần áo… được người dân gom nhặt lại cho chị.
Nỗ lực tìm người mất tích
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - cho biết: Trận lũ kinh hoàng xảy ra nửa đêm qua đã khiến cho địa phương này thiệt hại nặng nề về con người và tài sản.
“Ngay sau khi cơn lũ đi qua, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ và tất cả các lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện, xã tập trung về bản Hắc để cứu giúp những người bị nạn, tổ chức tìm kiếm các nạn nhân đang còn mất tích. Đây là trận lũ kinh hoàng nhất từ trước đến nay xảy ra ở khu vực bản Hắc, xã Trí Nang” - ông Hồng nói.
Những chiếc khăn tang ở bản Hắc, xã Trí Nang sau khi lũ tràn qua. Ảnh: H.Đ
Ngay trong sáng nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền, lãnh đạo ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cũng đã về hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả trận lũ, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những gia đình gặp nạn.
Đến chiều nay, hàng trăm người vẫn đang tiếp tục tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân đang còn mất tích trong trận lũ dữ. Các thiết bị, máy móc và con người cũng đang khẩn trương giúp người dân bản Hắc khắc phục hậu quả sau lũ để thông tuyến tỉnh lộ 530 đi xã biên giới Yên Khương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền (người thứ 2 từ phải qua) đến hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn lũ kinh hoàng ở bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Ảnh: H.Đ
Theo báo cáo nhanh của huyện Lang Chánh, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ và hoàn lưu bão số 3, hiện nay nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện đến trung tâm các xã, thị trấn và các thôn, bản bị chia cắt... Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Lang Chánh đã bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Huyện cũng đã phải di dời 45 hộ dân với 185 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều điểm cầu tràn bị xói lở, nước lũ cuốn trôi, gây chia cắt giao thông từ các bản: Xắng, Hằng, Khon, Yên Phong, Yên Lập ở xã biên giới Yên Khương. Tỉnh lộ 530, 530B cũng bị sạt lở, ách tắc giao thông, hàng trăm ha lúa, ngô, đậu, lạc, rừng keo... bị hư hại. Ước tính thiệt hại ban đầu do mưa, bão gây ra cho huyện Lang Chánh khoảng hơn 10 tỷ đồng. |