Ngày 20.7, để rõ hơn về việc ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nói rằng “Đà Nẵng có thể sẽ phải báo cáo Thủ tướng phương án đối với sân vận động Chi Lăng” trong hội nghị triển khai công tác 6 tháng đầu năm diễn ra trước đó ít ngày, trả lời câu hỏi của PV ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết:
“Vụ việc này do TP.Hồ Chí Minh thụ lý ban đầu. Lẽ ra, theo Luật Thi hành án dân sự thì việc này thuộc Cục thi hành án TP.Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi nhận thấy tính chất tài sản này rất phức tạp, nếu để TP.Hồ Chí Minh thi hành thì rất khó. Sau khi nghiên cứu về luật thi hành án sửa đổi và Nghị định số 62 thấy rằng có thể ủy thác cho Đà Nẵng được”.
Ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trả lời báo chí ngày 20.7. Ảnh: Thành An
Theo ông Thủy, trong vụ án Phạm Công Danh phải thi hành án với số tiền rất lớn, trên 10.000 tỷ, tài sản rải rác ở nhiều nơi như TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Nhưng có lẽ tập trung tài sản lớn nhất ở Đà Nẵng, tại đây, Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh dự định xây dựng một dự án du lịch thương mại tại Sân vân động (SVĐ) Chi Lăng – khu đất vàng của TP.Đà Nẵng.
Nói về cái khó về việc giải quyết ở SVĐ Chi Lăng, ông Thủy nhận định rằng: đây là dự án nằm trên giấy, việc chia lô thực tế chưa có gì; xung quanh sân là các mặt phố, người dân vẫn sinh sống, kinh doanh nên để xử lý việc này không đơn giản nếu chia ra từng khúc bán sẽ phá nát quy hoạch.
“Cho nên, chúng tôi đã chỉ đạo Đà Nẵng báo cáo Thường trực, báo cáo UBND, Uỷ ban chỉ đạo Thi hành án để có hướng xử lý… Tôi nói rằng trong trường hợp có thể phải xin ý kiến của Thủ tướng. Bởi dự án này, tùy các cấp thẩm quyền phê duyệt, phải xử lý theo cơ chế đặc thù thì mới xử lý được” – ông Thủy nhấn mạnh và cho rằng: “hiện nay giấy tờ, tài sản ở đây cũng chưa đâu vào đâu cả. Có những cái đền bù, những cái chưa đền bù; có hộ đã đến bù, có hộ chưa và chưa có giải tỏa vẫn nguyên vẹn. Do đó, việc này xử lý không đơn giản nên tôi có ý kiến là ngoài chủ trương xử lý của chính quyền địa phương thì có thể xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.
Sân vận động Chi Lăng xuống cấp trầm trọng sau hơn 7 năm không được quan tâm. Ảnh: Zing
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, TP.Đà Nẵng sẽ tìm mọi cách để lấy lại sân vận động Chi Lăng vốn đang bị Tập đoàn Thiên Thanh chia ra 14 lô cầm cố cho ngân hàng.
Theo ông Thơ, các cơ quan chức năng của Trung ương đang tiến hành điều tra sự việc liên quan đến sân vận động Chi Lăng. Song, sự thật là sân Chi Lăng đã bị chia thành 14 lô đất để cầm cố ngân hàng.
Theo đó, hiện UBND TP.Đà Nẵng đã báo cáo Thường trực Thành ủy để xin chủ trương và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhằm thương thảo các đơn vị có liên quan nhằm lấy lại sân.
Được biết, trước đây, TP.Đà Nẵng chuyển nhượng sân Chi Lăng cho doanh nghiệp để xây dựng công trình phục vụ sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chia thành 14 lô đất, thành phố không chấp nhận việc chia cắt này.
Cụ thể, vào năm 2010, Đà Nẵng đã bán sân Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh thu về gần 1.500 tỷ đồng. Ngay khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp ở ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần so với số tiền mua đất.
Khi chuyển giao dự án khu phức hợp tại sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh, TP.Đà Nẵng phải giải tỏa hàng trăm hộ dân, số tiền đền bù lên đến hơn 200 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng phải đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng một khu liên hợp thể thao mới để thay thế cho sân vận động Chi Lăng.
Ngày 29.7.2014, ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam. Dự án sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm nên bị phong tỏa tài sản. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm quyền quản lý sân vận động Chi Lăng.
Từ năm 2015, chính quyền TP.Đà Nẵng đã từng thương thảo với Ngân hàng Nhà nước để lấy lại quyền sử dụng đất sân Chi Lăng nhưng chưa thành công.
Liên quan đến phi vụ bán nhanh chóng sân Chi Lăng, hiện Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng vừa kỷ luật 2 cán bộ thuộc UBND thành phố và Công ty Quản lý và Khai thác đất TP.Đà Nẵng
Hạn chế tình trạng "quân xanh, quân đỏ" Tại cuộc họp báo quý II.2018 của Bộ Tư pháp ngày 20.7, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua Bộ này đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực, tình trạng thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá tài sản. "Để có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với hành vi thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, theo quy định tại Điều 218 của Bộ luật hình sự (sửa đổi) thì hành vi thông đồng, dìm giá sẽ cấu thành tội phạm thay vì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính như trước đây. Bộ cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức bán đấu giá tài sản"- ông Hiển nói. Theo kế hoạch trong năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp và Cục Bổ trợ Tư pháp sẽ tổ chức 7 đoàn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, tỉnh Đồng Nai... Qua đó nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |