Nhà trẻ tư mọc... như nấm
Chiều 25-11, chúng tôi trở lại khu nhà trọ của vợ chồng anh Hồ Minh Lực và chị Nguyễn Thị Khanh (là cha, mẹ của cháu Hồ Thị Thúy Ngân). Chị Khanh hôm nay phải nghỉ để chăm sóc bé Ngân vẫn đang trong cơn hoảng loạn do bị hành hạ.
Đối với công nhân KCN, gửi con vào nhà trẻ tư nhân vẫn là thuận tiện hơn cả |
Một phụ nữ ở cạnh nhà anh Lực cho biết, xóm trọ này chủ yếu là người từ các tỉnh khác đến Bình Dương làm công nhân cho các KCN. Cả khu này khoảng 40 đứa trẻ từ 1 - 4 tuổi nhưng hầu hết phải gửi "chui" tại các nhà trẻ tư nhân, vì không ai đủ điều kiện cho con vào trường công.
Trước nỗi đau của bé Ngân bị hành hạ, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Khanh nói: "Để gửi được con vào các trường mẫu giáo công lập cần rất nhiều điều kiện nên rất khó. Nếu có gửi con vào trường công lập được thì cũng không dám gửi, vì công ty yêu cầu làm tăng ca quá nhiều. Do đó, tôi chỉ biết cho cháu vào điểm giữ trẻ tư nhân.
Dạo quanh một khu trọ của công nhân gần KCN ở huyện Thuận An, ngay tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một cũng phát hiện khá nhiều điểm giữ trẻ tại gia. Mỗi hộ nhận giữ từ 5-10 trẻ, với giá 300- 400 nghìn đồng/tháng.
Lợi dụng xu thế và nhu cầu, các điểm giữ trẻ tư nhân, tự phát mọc lên như nấm cho dù không đảm bảo các điều kiện giáo dục, chăm sóc, thiếu vệ sinh, an toàn, nhưng tình thế bắt buộc công nhân phải gửi con vào đây.
Cần thiết nhưng phải giám sát chặt chẽ
Làm việc với chúng tôi sáng 25-11, bà Mai Thị Dung - Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh cho biết, toàn tỉnh đang có khoảng 700.000 lao động, trong đó trên 80% là nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Do tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh quá nhanh nên cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ rất thiếu thốn.
Mặt khác, các trường công lập hiện nay không phù hợp với thực tế vì công nhân phải đi làm ca đến tối, trong khi các trường chỉ giữ trẻ đến cuối buổi chiều.
Qua khảo sát, tôi thấy nhóm trẻ tư nhân tự phát rất mạnh, nhưng cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giữ trẻ rất tồi tàn vì họ cơi nới từ những nhà bếp, thậm chí là cải tạo lại chuồng lợn để làm chỗ nuôi trẻ.
Hiện tỉnh đang kêu gọi các thành phần kinh tế cùng hỗ trợ nhà nước mở lớp, mở nhóm nuôi dạy trẻ có chất lượng tại các KCN để hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, hiện khả năng đầu tư vào các hoạt động này chưa được quan tâm nhiều.
Bà Dung cho rằng: "Trong bối cảnh nhu cầu gửi con của công nhân quá lớn mà điểm được cấp phép chưa đáp ứng được thì việc mọc lên ngày càng nhiều các điểm giữ trẻ tự phát là cần thiết. Trong bối cảnh đó, phường, xã, thị trấn phải tăng cường, giám sát các cơ sở này hoạt động đúng quy định. Đặc biệt cần kiên quyết xử lý những hành vi làm nhục trẻ, bạo hành gây ảnh hưởng sức khoẻ và tâm lý trẻ em".
Lộc Hưng