Ông Carter Page. Ảnh: Reuters.
Vào thứ Bảy (21.7) vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã cho công bố đơn yêu cầu mật gửi tòa án, đề nghị được nghe lén ông Carter Page – cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, theo SCMP và The Guardian đưa tin, FBI đã sử dụng Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) để theo dõi ông Page với nghi vấn rằng vị cựu cố vấn của Tổng thống Trump đã tham gia “hoạt động tình báo bí mật” cho nước Nga và là mục tiêu tuyển dụng tình báo của Moscow – hay nói cách khác, ông Page bị nghi ngờ là một điệp viên Nga trà trộn, thâm nhập vào bộ máy tranh cử của ông Donald Trump.
Cũng theo SCMP, đơn yêu cầu mật nói trên của FBI chỉ được công bố sau khi nhiều cơ quan báo chí, thông tấn Mỹ đã kiện Bộ Tư pháp ra tòa án. Nguyên nhân là dựa trên Đạo Luật Tự do Thông tin, các cơ quan này được quyền tiếp cận thông tin về vụ nghe lén ông Carter Page.
Được biết, việc tiết lộ đơn yêu cầu theo dõi cùng với 3 đơn yêu cầu gia hạn việc giám sát được đánh giá là lịch sử và chưa từng có. Lý do là trong suốt 4 thập kỷ kể từ khi FISA có hiệu lực, gần như chưa từng có bất kỳ đơn yêu cầu theo dõi, giám sát nào được đưa ra công khai với báo chí và công chúng.
Phản ứng trước thông tin nói trên, Tổng thống Donald Trump vào hôm qua (22.7) đã bày tỏ sự giận giữ trên mạng xã hội Twitter: “Càng ngày càng thấy rõ rằng chiến dịch tranh cử của tôi đã bị do thám một cách bất hợp pháp để tạo lợi thế cho Hillary Clinton và Ủy ban Dân chủ Quốc gia”.
“Đảng Cộng Hòa cần phải cứng rắn ngay bây giờ. Đây là một âm mưu bất hợp pháp!”, ông Trump viết.
Về phần mình, theo The Guardian, ông Carter Page đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc ông là một gián điệp Nga.