Dân Việt

Người Việt thiệt hại do bia, rượu khoảng 1,3 - 3,3% GDP

Thu Trang 23/07/2018 16:45 GMT+7
Theo một ước tính trong năm 2018 của WHO, với 1USD chi để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra, sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 USD.

Cụ thể tham vấn về Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia mới đây, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: “Sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển ở Việt Nam”.

Ông cũng nhấn mạnh các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội do sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, và phát biểu thêm “Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”. 

WHO đã khuyến nghị thực hiện một số biện pháp hiệu quả chính để giải quyết vấn đề sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại.

img

Dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến

Đó là thực hiện chính sách giá đối với đồ uống có cồn. Các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng.

Bên cạnh đó cần hạn chế tính dễ dàng tiếp cận với rượu, bia và tính sẵn có của rượu, bia. Biện pháp của chính sách này có thể gồm: quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn.

Đồng thời, theo WHO nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên, và qua đó làm giảm bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ.

Cho ý kiến thêm về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy Ban Tài chính – Ngân sách quốc hội cho rằng: “Xét từ góc độ về quản lý tài chính, với mỗi phương án cần phải có đánh giá tác động định lượng”.

Bà Chi cũng cho rằng khoản đóng góp bắt buộc này tương tự với thuế tiêu thụ đặc biệt, và cuối cùng người chịu sẽ là người tiêu dung. Điểm khác biệt ở đây là khoản thu này sẽ được sử dụng cho các hoạt động y tế, tuyên truyền hoặc các hoạt động khác của Quỹ để phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá.

Bên cạnh đó, bà Chi cũng lưu ý đang có một tỉ lệ rất lớn rượu thủ công sản xuất công nghệ thấp, rượu nhập lậu,… không nộp bất cứ thuế nào. Vì thế khi thành lập Quỹ này chỉ quản lý được các sản phẩm có nhãn mác đăng ký rõ ràng, còn những sản phẩm còn lại thì chưa kiểm soát được.

Đồng tình với việc xây dựng Luật phòng chống tác hại rượu, bia nhưng TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cho rằng cần làm rõ đối tượng, hay phạm vi điều chỉnh luật là “tác hại của rượu, bia” hay “tác hại của việc sử dụng rượu bia ở mức nguy hại”.

Hiệp hội cũng ước tính với mức độ phổ biến của rượu tự nấu hiện nay, thất thu ngân sách cũng khoảng tối thiểu là 800 tỷ, tương đương với đóng góp ngân sách hiện tại của ngành rượu, vì vậy các nội dung quản lý trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được nêu rõ hơn.

Hiện tại thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng với rượu, bia là 65%, thay đổi 4 lần kể từ năm 2013 đến nay. TS. Việt cũng khuyến nghị Bộ Y tế và Tổng cục thống kê nên có những đánh giá chính thức về các con số trong ngành để xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng Luật.