Dân Việt

Vụ án oan chân đèo Pha Đin đạt thoả thuận bồi thường hơn 13 tỷ đồng

PV 24/07/2018 00:03 GMT+7
TAND tỉnh Điện Biên chấp nhận bồi thường hơn 13 tỷ đồng trong số 18 tỷ đồng mà gia đình bà Nga yêu cầu.

Ngày 21.7, gia đình cụ bà Đặng Thị Nga (82 tuổi, trú huyện Tuần Giáo, Điện Biên) đã đạt được thoả thuận bồi thường với TAND tỉnh Điện Biên về việc bà Nga bị truy tố, xét xử oan sai 28 năm (từ 1990 đến 2017).

Ông Phùng A Xà (Phó Chánh án TAND tỉnh Điện Biên) chủ trì buổi thương lượng cho hay, tổng số tiền bà Nga được bồi thường là hơn 13,1 tỷ đồng, tăng hơn 9 tỷ so với lần thương lượng thứ nhất cách đây hai tháng.

img

Phó Chánh án TAND tỉnh Điện Biên - Phùng A Xà (ngồi giữa) chủ trì buổi thương lượng lần thứ hai.

Theo luật sư Vũ Thị Nga, đại diện quyền lợi cho gia đình người bị oan, một số khoản thiệt hại ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng chưa được chấp nhận như: thiệt hại danh dự nhân phẩm bị mất cho cả cuộc đời cụ bà Nga cùng các con chưa thành niên; gia đình phải bán mảnh đất để có tiền kêu oan...

Ông Trịnh Duy Dương (con trai thứ hai cụ Nga, bị bắt, xét xử, giam giữ vì tội giết cha) nay đã 48 tuổi cho rằng, ông đã hết cơ hội làm lại cuộc đời sau nhiều năm lang thang. Mảnh đất bố mẹ cho ông Dương và anh trai Trịnh Văn Hiến (đã chết do buồn phiền, sinh bệnh) phải bán đi để có tiền kêu oan.

"Tôi mong mỏi cơ quan chức năng xem xét những yêu cầu chính đáng này cho tôi và cả người anh trai đã mất", ông Dương nói.

Trong đơn gửi TAND tỉnh trước đó, bà Nga đề nghị bồi thường 18 tỷ đồng về việc bị giam giữ, truy tố oan sai 28 năm; tổn thất tinh thần cho bà và ba người con. Lần thương lượng thứ nhất chỉ đạt thoả thuận bồi thường 4 tỷ đồng do vướng mắc áp dụng Luật bồi thường.

Diễn biến vụ án oan 30 năm dưới chân đèo Pha Đin

Chiều 18.9.1989, bà Nga phát hiện thi thể chồng dưới giếng nước nên báo cơ quan chức năng. Khám nghiệm hiện trường, tử thi, công an huyện Tuần Giáo (khi đó thuộc tỉnh Lai Châu) đã khởi tố bà Nga về tội Giết người.

Hồ sơ vụ án được chuyển lên Công an tỉnh Lai Châu. Tháng 10.1989, điều tra mở rộng, công an khởi tố ông Hiến và ông Dương tội Giết người.

Tháng 1.1990, VKSND tỉnh Lai Châu đã ra cáo trạng, truy tố Hiến và Dương tội Giết người, bà Nga được chuyển sang hành vi Che giấu tội phạm. Tháng 4 cùng năm, TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hiến 18 năm tù, Dương 12 năm tù về tội Giết người, bà Nga ba năm tù cho hưởng án treo.

Sau đó, cả ông Hiến và Dương đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, cả hai ông đều thay đổi lời khai, kêu oan, không phạm tội giết cha.

Ngày 18.12.1990, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm với lý do có một số thiếu sót trong điều tra. Trong thời gian điều tra bổ sung, ông Hiến và em trai được tại ngoại sau 28 tháng bị tạm giam.

Suốt gần 30 năm, vụ án treo lơ lửng, không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan. Năm 2016, bà Nga gửi đơn tới các cơ quan tố tụng liên ngành của tỉnh Điện Biên.

Tháng 9.2017, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cơ quan tố tụng liên ngành sớm làm rõ vụ án.

Tháng 10.2017, liên ngành tố tụng tỉnh Điện Biên trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành tố tụng Trung ương về việc giải quyết vụ án và giải quyết đơn của bà Nga; đồng thời chỉ đạo Cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra các bị can Nga, Hiến, Dương, công khai xin lỗi và bồi thường theo quy định pháp luật.

Ngày 24.10.2017, TAND tỉnh Điện Biên đã tổ chức xin lỗi công khai ba mẹ con cụ Nga.

Hơn ba tháng sau, cụ Nga đã gửi đơn đề nghị TAND tỉnh Điện Biên bồi thường các khoản là 18 tỷ đồng.