Trên sàn chứng khoán tồn tại những doanh nghiệp với sản phẩm và dịch vụ kinh doanh mà ngay cả những người đang hàng ngày đầu tư cũng có thể bất ngờ. Mặc dù “độc lạ” trên sàn chứng khoán, nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp này là độc quyền trên thị trường, họ cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty khác. Và vì họ đặc biệt, nên họ cũng rất kén nhà đầu tư. Một số cổ phiếu trong nhóm này có thanh khoản giao dịch khá khiêm tốn.
Bán bao cao su
Lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2017, CTCP Merufa (Upcom: MRF) là một trong số những doanh nghiệp có sản phẩm kinh doanh độc nhất trên sàn chứng khoán với thương hiệu bao cao su “Happy”.
Tuy nhiên, do khó cạnh tranh với các nhãn hiệu nổi tiếng khác như Durex hay Sagami, doanh thu của Merufa từ bao cao su chưa cao mà chủ yếu đến từ các sản phẩm phục vụ y tế khác như găng tay hay ống y tế…
Hiện MRF giao dịch quanh ngưỡng 21.000 đồng/cp, với thanh khoản tương đối thấp.
Năm 2016, doanh thu của Merufa đạt 80,7 tỷ đồng và lãi ròng 25,7 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay khi lên sàn, Merufa ngay lập tức báo lỗ hơn 4,3 tỷ đồng, đây là khoản thua lỗ lần đầu tiên sau nhiều năm. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 2018 tăng 26% đạt 97 tỷ đồng và có lãi trở lại 2,25 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bán vàng mã, dịch vụ mai táng
Một doanh nghiệp khác khiến nhiều người chú ý là Công ty CP Mai táng Hải Phòng (Upcom:CPH). Đây cũng là doanh nghiệp liên quan tới dịch vụ mai táng đầu tiên lên sàn.
Không chỉ có hoạt động kinh doanh khá “độc” mà lý lịch ban lãnh đạo công ty cũng rất đặc biệt khi phần lớn bắt đầu từ công việc bảo vệ, lao công. Cụ thể, trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hồng Lê đã từng có thời gian dài làm bảo vệ cho công ty trong giai đoạn từ tháng 12/1988 đến tháng 9/1992. Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Trần Văn Phú cũng từng làm công nhân lao công, bảo vệ công ty từ năm 1995 đến 2000. Ngoài ra, ông Vũ Văn Phong, thành viên HĐQT cũng từng làm bảo vệ công ty trong giai đoạn 1989 đến 2002.
Cổ phiếu CPH chào sàn đầu tiên vào 8/2/2017 với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau một năm rưỡi lên sàn, vẫn chưa có một cổ phiếu CPH nào được khớp lệnh. Năm 2017, công ty đạt doanh thu 101 tỷ đồng, lãi ròng 8,6 tỷ đồng. Giữa tháng 5 vừa qua CPH đã trả cổ tức năm 2017 bằng tiền với tỷ lệ 1.570 đồng/cổ phiếu.
CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) được xem là doanh nghiệp vàng mã đầu tiên lên sàn chứng khoán và đang có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Lĩnh vực kinh doanh của công ty là sản xuất giấy đế, vàng mã, ngoài ra còn sản xuất tinh bột sắn và dầu quế. Doanh thu từ vàng mã của công ty năm 2016 chiếm 16% tổng doanh thu công ty.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, nông sản Yên Bái ghi nhận doanh thu đạt 240 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch năm. Lãi sau thuế của công ty đạt 32 tỷ đồng, vượt 68% so với con số mục tiêu là 19 tỷ đồng.
Cổ đông của CAP cũng liên tục nhận được những khoản cổ tức rất cao từ 40-50%.
Sản xuất vàng mã tại Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Doanh nghiệp bán…giấy vệ sinh
CTCP Hapaco (HOSE: HAP) niêm yết vào năm 2000 và là một trong những doanh nghiệp niêm yết sớm nhất trên sàn HOSE.
Năm 2017, doanh thu công ty đạt 381 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 13,2 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của HAP tăng trưởng 33% lên 340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 28,5 tỷ đồng, tăng vượt bậc 241% so với cùng kì. Nguyên nhân là thị trường giấy của HAP đang có diễn biến thuận lợi và các nhà máy sản xuất đạt hiệu suất cao.
Tuy nhiên với nhiều năm kinh doanh không ấn tượng, cổ phiếu HAP đang giao dịch dưới mệnh giá từ rất lâu, hiện đang ở quanh mức 3.800 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu HAP. Nguồn: hsx.vn
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sở hữu những sản phẩm dịch vụ đặc biệt khác có thể kể đến như kinh doanh sòng bạc của CTCP Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC), bán dây thừng của CTCP Siam Brothers, bán đầu lọc thuốc lá của CTCP Thương mại Đầu tư Vinataba (Upcom: VTJ) hay bán kem của Kem Thủy Tạ (Upcom: TTJ).