Dân Việt

Diễn “nuy”: Làm 10, được 1 là thành công

26/11/2010 19:12 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian qua, các hình ảnh khỏa thân, trói người, treo người, tô vẽ lên cơ thể… xuất hiện khá nhiều trong các triển lãm sắp đặt, tạo nên nhiều luồng dư luận, ý kiến khác nhau. NTNN đã có cuộc trao đổi với họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông về những ý tưởng "táo bạo" trên.

Nghệ thuật khoả thân (nuy) đã phổ biến hơn trong đời sống nhưng dường như nghĩ về nó còn khá nhiều dè dặt?

- Việc tiếp xúc với nghệ thuật khỏa thân cũng như khám phá cơ thể con người đã được các nghệ sĩ thực hiện ngay khi học trong trường. Những năm trước đây, nghệ thuật tạo hình khỏa thân thường được thể hiện thông qua tranh, ảnh, điêu khắc… Tuy nhiên để giới thiệu đến được công chúng thì cần phải qua nhiều thủ tục khá phức tạp.

img
Hình ảnh một cuộc trình diễn body painting (vẽ lên cơ thể)

Những năm gần đây, các nghệ sĩ trẻ có xu hướng thể hiện các ý tưởng thông qua nghệ thuật sắp đặt, tạo hình trên cơ thể con người. Có điều với công chúng, cách cảm thụ về cách làm và những hình ảnh này là rất khác nhau, có những ý kiến khá gay gắt...

Còn anh, anh nhìn nhận thế nào về thực tế này?

- Đôi khi, người ta lầm tưởng khỏa thân, hay tạo hình là phải thể hiện trên cơ thể một người đẹp, "uốn éo" trước người xem. Nhưng ở đây, với cách tạo hình ngay trên cơ thể của người nghệ sĩ, đôi khi hơi gồ ghề, phong trần lại thể hiện một khía cạnh, một mảng màu mới của cuộc sống. Nghệ thuật không chỉ để truyền tải những vẻ đẹp của cuộc sống, của con người mà thông qua đó người nghệ sĩ muốn truyền tải những thông điệp của chính bản thân mình.

Anh ấn tượng về triển lãm nghệ thuật sắp đặt nào nhất trong thời gian vừa qua?

img Một tác phẩm nghệ thuật tạo hình, với những người trong nghề đề hiểu hết ý nghĩa đã là rất khó. Với những người bình thường để cảm thụ nó còn khó hơn nhiều! Cho nên làm 10 tác phẩm mà trong đó 1 tác phẩm được mọi người hiểu ý nghĩa của nó, đã là thành công rồi! img

Họa sĩ Phạm Huy Thông

- Hình ảnh Lại Thị Diệu Hà khỏa thân, dính lông chim lên người là hình ảnh ấn tượng và tạo nên một dư luận khá lớn trong thời gian vừa qua. Ý nghĩa của "việc làm" này đơn giản chỉ là để khẳng định bản thân mình của người nghệ sĩ.

Việc Hà dũng cảm khỏa thân nhằm khẳng định với công chúng là mình đã thoát khỏi những mặc cảm của cơ thể, sẵn sàng xuất hiện với hình ảnh thật của mình trước công chúng…

Nghệ thuật trình diễn, tạo hình thường là do các nghệ sĩ tự trao đổi, truyền dạy cho nhau. Hiện nay, chưa có một trường lớp nào truyền dạy chính thống, điều này có ảnh hưởng đến các sáng tác của anh và các đồng nghiệp không?

- Thực tế mà nói, để có một cơ sở đào tạo về chuyên môn này hiện nay là rất khó. Hầu hết, các nghệ sĩ hình thành ý tưởng thông qua các trại sáng tác, cũng như được các chuyên gia nghệ thuật người nước ngoài chỉ dẫn.

Họ vận dụng những kinh nghiệm thông qua sự đúc kết, tích lũy cá nhân, cũng như qua những ý tưởng của mình để đúc kết, tạo nên tác phẩm. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, một số tác phẩm thiếu chuyên môn, gây phản cảm đối với người xem.

Theo anh, những cách thể hiện mà ta đang chứng kiến có cần phải thay đổi để phù hợp với những quan niệm của đạo đức truyền thống không?

- Thông thường, tại các triển lãm các nghệ sĩ "nuy" thường chỉ dành cho các anh chị em có chuyên môn đến tham quan, đánh giá và bình luận, không quảng bá sâu rộng với công chúng. Còn các nam nghệ sĩ thì thường thể hiện các tác phẩm với hình ảnh "cởi trần, mặc quần đùi" là chính.

Những hình ảnh đó đã trở nên hết sức bình thường trong nghệ thuật và trong giới nghệ sĩ. Nếu giờ bạn ra đường sẽ còn gặp nhiều hình ảnh "nghệ thuật" hơn nhiều. "Điên và quái" có lẽ là tố chất của một nghệ sĩ khi sáng tạo, nên để hiểu được nó thì cần phải có thời gian tìm hiểu sâu kỹ hơn.