Theo sách Chín đời chúa, 13 đời vùa triều Nguyễn, cuộc đời làm vua của Khải Định được sử sách ghi chép với những cuộc ăn chơi và nịnh nọt, lấy lòng thực dân Pháp nên trong dân gian vẫn thường lưu truyền câu ca dao mỉa mai “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây / Nghề này thì lấy ông này tiên sư”.
Triều Nguyễn có tất cả 13 vị vua, Khải Định là vị vua thứ 12. Ông là phụ hoàng của vua Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Khải Định có tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Đảo (1885-1925), khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Tuấn. Ông trị vì Đại Nam từ năm 1916-1925.
Khải Định bị đánh giá là vị vua chỉ ham chơi bời, cờ bạc. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cả quan hộ vệ. Ông còn rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, không tuân theo y phục hoàng tộc truyền thống và thường bị đả kích trên báo chí đương thời.
Năm 1922, vua Khải Định có chuyến “Ngự giá Như Tây”, tới Pháp để dự hội chợ đấu xảo của các nước thuộc địa. Tính cách và cách ăn mặc lố lăng của Khải Định bị chê bai rất nhiều. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết vở kịch Con rồng tre để châm biếm vị vua nịnh nọt triều Nguyễn.
Dưới thời Khải Định, năm 1919, triều Nguyễn ban lệnh chính thức bỏ các kỳ thi Nho học thời phong kiến để thay bằng các kỳ thi chữ quốc ngữ, “đường khoa cử phong kiến đến đây dứt hẳn”.
Sau khi qua đời, vua Khải Định được an táng tại Ứng Lăng ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Lăng Khải Định là kiệt tác nghệ thuật, mang vẻ đẹp kết hợp giữa nét kiến trúc phương Đông pha lẫn phương Tây.
Nghệ nhân Phan Văn Tánh đã dùng chân để vẽ bức tranh “Cửu Long ẩn vân” - 9 con rồng ẩn trong mây tại lăng vua Khải Định. Phan Văn Tánh là họa sĩ nức tiếng đương thời.