Dân Việt

Nguồn gốc xung đột Israel - Palestine (Kỳ cuối): Hiệp ước mong manh

Thùy Dương 13/08/2018 10:33 GMT+7
Cuộc xung đột Israel - Palestine ngày nay chủ yếu xoay quanh hơn 4.000 km2 lãnh thổ phía tây sông Jordan mà Jordan chiếm đóng từ năm 1949 đến 1967.

NHỮNG HIỆP ƯỚC HÒA BÌNH MONG MANH

Vì Jordan đã trục xuất toàn bộ người Do Thái nên năm 1967, khu vực này chỉ gồm 600.000 người Arab. Tuy nhiên, từ năm 1967, khi bị Israel chiếm đóng, cộng đồng Do Thái ở đây đã tăng lên 550.000 người.

Palestine yêu cầu Israel khôi phục lại đường biên giới năm 1967 có nghĩa là hơn một nửa triệu người Do Thái sẽ phải bỏ nhà cửa và những gì đã gây dựng trên mảnh đất đó. Người Do Thái định cư ở 5 khu vực bên ngoài biên giới năm 1967: Jerusalem, khu vực Gush Etzion, Ariel, Maale Adumim, thung lũng Jordan và cả trăm khu định cư nhỏ hơn nằm giữa các làng mạc Arab hoặc gần các thành phố Arab. Do đó, người Do Thái và Arab sống xen kẽ nhau và không có đường biên giới nào có thể chia được ranh giới sao cho người Arab ở một bên, người Do Thái ở một bên.

img

Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và lãnh đạo PLO Yasser Arafat trong thời gian ký Thỏa thuận Oslo năm 1993.

Một vấn đề liên tục gây căng thẳng giữa Palestine và Israel là quan hệ giữa người Do Thái và Palestine sống trong lãnh thổ Israel. Phần lớn người Arab đã chạy trốn khỏi khu vực khi nhà nước Israel được tuyên bố thành lập. Tuy nhiên, số người ở lại vẫn đông, chiếm gần 1/5 dân số Israel. Trong số đó, 2/3 là người Hồi giáo. Cao trào của xung đột Israel và Palestine nổ ra năm 1987 với phong trào Intifada khiến 20.000 người thiệt mạng.

Đỉnh điểm của phong trào là ngày 15.11.1988, nhà nước Palestine đã được tuyên bố thành lập với Đông Jerusalem làm thủ đô. Lãnh đạo Arafat của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã thừa nhận quyền tồn tại của Israel và sẵn sàng đàm phán để tìm giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại.

Năm 1991, Mỹ và Liên Xô tổ chức Hội nghị Madrid, trong đó lãnh đạo Israel, Liban, Jordan, Syria và Palestine gặp mặt để thiết lập một khung đàm phán hòa bình. Hội nghị thảo luận các đề xuất như cho người Palestine tự trị ở Dải Gaza và Bờ Tây, số phận của người tị nạn Palestine và kế hoạch tăng trưởng kinh tế ở khu vực.

Năm 1993, đàm phán bí mật giữa PLO và chính phủ Israel ở Na Uy đã cho ra đời Hiệp định hòa bình Oslo. Hiệp định vạch ra kế hoạch 5 năm để người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza dần dần tự quyết vận mệnh. Ngày 13.9.1993, ông Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký “Tuyên bố nguyên tắc” lịch sử. Theo thỏa thuận, Israel rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho ở Bờ Tây năm 1994. Chính quyền Palestine do ông Arafat làm lãnh đạo kiểm soát các khu vực không bị Israel chiếm đóng với chức trách như một chính phủ.

Tiến triển tiếp tục năm 1994, khi ngày 26.10, Vua Hussein của Jordan và Thủ tướng Israel Rabin ký hiệp ước hòa bình lịch sử chấm dứt tình trạng giao tranh giữa hai quốc gia. Ngày 4.11.1995, Thủ tướng Rabin bị một kẻ cực đoan Do Thái ám sát, làm lung lay toàn bộ tiến trình hòa bình. Từ khi ông Benjamin Netanyahu đã trở thành thủ tướng Israel năm 1996, với đường lối cứng rắn, ông đã đảo ngược toàn bộ Thỏa thuận Oslo, cho rằng thỏa thuận này khiến Israel phải nhượng bộ nhiều và ảnh hưởng tới sự an toàn của Israel.

img

Người Palestine tham gia phong trào Intifada lần thứ nhất năm 1987.

Đàm phán hòa bình Israel - Palestine từ năm 1997 liên tục bị cả hai bên làm xói mòn. Mặc dù Thỏa thuận Hebron được ký vào tháng 1, trong đó kêu gọi binh sĩ Israel rút khỏi Hebron nhưng việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái mới ở Bờ Tây hồi tháng 3 khiến tiến trình hòa bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 1997, phong trào Hồi giáo Hamas đã thực hiện đánh bom liều chết, giết chết hơn 20 dân thường Israel. Sự việc khiến ông Netanyahu nổi giận, cáo buộc chính quyền Palestine của ông Arafat lỏng lẻo trong an ninh, đồng thời trả đũa bằng một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào người Palestine làm việc ở Israel. Ông cũng cấp phép xây nhiều khu định cư mới ở Đông Jerusalem.

Một hội nghị thượng đỉnh ở Wye Mills (Mỹ) tháng 10.1998 đã tạo ra được tiến triển thực sự đầu tiên trong đàm phán hòa bình Trung Đông bế tắc. Trong đó, ông Netanyahu và ông Arafat dàn xếp một số vấn đề quan trọng được đặt ra trong Thỏa thuận Oslo năm 1993.

Cuối tháng 4.1999, Israel đã không kích 41 lần vào các địa điểm của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban - nhóm chống binh sĩ Israel và đồng minh. Áp lực đòi Israel phải rút quân ngày càng tăng. Khi ông Ehud Barak được bầu làm thủ tướng Israel, ông đã tiếp tục chính sách hủng hộ tiến trình hòa bình của ông Rabin. Năm 2000, 18 năm sau khi Israel chiếm đóng miền nam Liban trong cuộc chiến Liban năm 1982, Israel đơn phương rút quân khỏi Liban.

Trong khi đó, bạo lực ở Trung Đông không suy giảm. Tháng 7.2000, Hội nghị Thượng đỉnh Trại David được tổ chức nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về “tình trạng cuối cùng”. Hội nghị sụp đổ sau khi ông Arafat không chấp nhận đề xuất do các nhà đàm phán Mỹ và Israel thảo ra.

Sau khi các thỏa thuận hòa bình đều không thể tạo ra một nhà nước Palestine, tháng 9.2000, phong trào Intifada lần hai nổ ra. Đây là giai đoạn căng thẳng giữa Palestine và Israel và cuộc xung đột này kéo dài tới tận ngày nay. Hàng nghìn người cả ở hai bên đã thiệt mạng, thương vong nhiều hơn cả Intifada lần thứ nhất. Nhiều người Palestine coi Intifada là cuộc chiến hợp pháp trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài. Đối với Israel, Intifada là một chiến dịch khủng bố.

Sau cái chết của nhà lãnh đạo PLO Arafat, ông Mahmoud Abbas được bầu là Tổng thống Chính quyền Dân tộc Palestine năm 2005.

Từ năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục gây sức ép buộc chính phủ Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và khôi phục lại tiến trình hòa bình với Palestine. Ngày 25.11.2009, Israel tuyên bố ngừng xây các khu định cư trong 10 tháng và quyết định này được cho là do chịu sức ép của chính quyền Mỹ.

Năm 2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng.

Gần đây nhất, sau nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Israel và Palestine đã đàm phán trực tiếp ngày 29.7.2013 để khởi động lại tiến trình hòa bình. Đàm phán dự kiến kéo dài 9 tháng, nhưng khi đến hạn chót ngày 29.4.2014 mà không đạt được thỏa thuận, đàm phán đã sụp đổ. Tiến trình hòa bình Israel - Palestine lại rơi vào bế tắc.