Đó là chia sẻ của PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong. Ảnh: IT
Thông tin thêm về vụ việc vỡ đập thuỷ điện ở Lào, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào, dung tích chứa trên 1 tỷ m3. Đập thuỷ điện này bắt đầu xây dựng từ tháng 2.2013, dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên tiến độ xây dựng chậm nên phải sang năm 2019 con đập này mới đi vào hoạt động. Đập thuỷ điện này bị vỡ trong giai đoạn đang thi công, nhà máy này dự kiến bán điện chủ yếu cho Lào. Tổng đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Đập thuỷ điện này nằm trên dòng nhánh, cách dòng chính khoảng 100km, qua dòng chính rồi mới đến sông Mekong. Toàn bộ dung tích 1 tỷ m3 đổ xuống ngay ảnh hướng rất lớn, nước có thể đổ xuống hàng vạn m3/giây.
“Bây giờ chúng ta thử nghĩ xem, hồ thuỷ điện Hoà Bình với trên 9 tỷ m3 nước (gấp 9 lần hồ thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy - Lào) nếu xảy ra tình huống xấu thì thủ đô Hà Nội sẽ như thế nào, chắc chăn là bị cuốn ra biển ngay tức khắc” - PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết.
“Đây là lời cảnh báo rất lớn đối với câu chuyện thuỷ điện. Còn nhớ cách đây một thời gian, khi đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, chúng ta có đề nghị Trung Quốc xả nước để giải hạn hạ du vùng Việt Nam, lưu lượng đề nghị khoảng 1.800m3/giây, chỉ với lượng xả như vậy có thể giải hạn cho đồng bằng sông Cửu Long. Nay nước từ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy (Lào) đổ về với lưu lượng hàng vạn m3/giây sẽ làm tăng mực nước đột ngột, sau vài ngày sẽ tác động tới Việt Nam” - PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh .
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng: “Vỡ đập thuỷ điện Lào là câu chuyện cảnh báo cho việc xây dựng thuỷ điện sông Mekong. Vấn đề xây dựng các đập thuỷ điện ở trên thượng nguồn sông Mekong là điều rất đáng lo ngại cho hạ lưu của con sông này.
Bản đồ các đập thuỷ điện trên sông Mekong
Việt Nam là nước cuối cùng ở hệ thống sông Mekong, chúng ta phải gánh chịu toàn bộ hậu quả từ các đập thuỷ điện thượng nguồn, nếu xảy ra sự cố. Bởi vì tất cả các nước thượng nguồn sông Mekong như Lào, Campuchia, Trung Quốc đều xây dựng rất nhiều đập lớn bé trên thượng nguồn”.
An toàn đập rất quan trọng, chỉ cần vài nghìn m3 nước đổ xuống từ hồ đập là những hộ dân sống phía dưới hồ đập lâm nguy, đập thuỷ điện ở Lào vỡ, hàng vạn m3 đổ xuống nên khiến dân cư quanh đó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng trăm người chết và mất tích, trên 6.000 người mất nhà.
Tác động của vỡ đập rất lớn, bài học đưa ra là an toàn đập ở vùng hạ lưu cần phải đánh giá kỹ lưỡng. Các quốc gia trên lưu vực sông Mekong nếu không thông báo kịp thời cho nhau thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.
“Bây giờ chúng ta thử nghĩ xem, hồ thuỷ điện Hoà Bình với trên 9 tỷ m3 nước (gấp 9 lần hồ thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy - Lào) nếu xảy ra tình huống xấu thì thủ đô Hà Nội sẽ như thế nào, chắc chăn là bị cuốn ra biển ngay tức khắc” - PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết.
Ngay trong nước, chúng ta cũng xây dựng rất nhiều đập thuỷ điện, thuỷ lợi. Câu chuyện cảnh báo cho người thượng lưu đối với người hạ lưu, cảnh báo ngay cho chính chúng ta, phải thận trọng, bởi cái giá phải trả rất đắt.
Vụ vỡ đập thuỷ điện ở Lào so với thế giới là lớn. Hiện nay ở Việt Nam có một số hồ thuỷ điện lớn trên 1 tỷ m3 dung tích chứa, cụ thể có hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La trên 9 tỷ m3, tiếp đó là hồ thuỷ điện Lai Châu, Tuyện Quang… và một số hồ thuỷ điện phía Nam như Trị An…
“Những hồ chứa 1 tỷ m3 nước nếu xảy ra sự cố rất nguy hiểm” - PGS.TS Đào Trọng Tứ bình luận.
Ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT mới công bố hiện nay có khoảng 1.200 hồ chứa thuỷ lợi đang xuống cấp nghiêm trọng. Chúng ta cũng đang trong thời điểm mùa mưa bão, lũ, chính vì vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, phòng chống thiên tai là rất lớn. Nhà nước cần quan tâm dành nguồn kinh phí để tu sửa các hồ chứa thuỷ lợi đó.
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng, chúng ta cần dành nhiều quan tâm hơn nữa cho công tác di dân khỉ vùng nguy hiểm có nguy có lũ quét, sạt lở, cần phải làm quyết liệt để người dân có nơi an cư an toàn. Không thể để tình trạng cứ xảy ra sự cố mới bắt đầu đi giải quyết. Hay như tình trạng xói lở bờ sông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tính mạng người dân không thể chờ làm xong kè bờ mới đẩm bảo. Cần quy hoạch và di dời dân ngay khỏi những điểm đem đó để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc về sau.