Ngày 26.7, phiên họp kín thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 đã được diễn ra, dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, chỉ số CPI dưới 4%. Thêm vào đó tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năng suất lao động cũng tăng. Có thể thấy tình hình kinh tế sáng sủa nhất từ trước đến nay. Nếu tính 3 chỉ số này thì mức tăng có thể phải lên tới 9%. Tuy nhiên, người lao động cũng mong muốn được chia sẻ với chủ sử dụng nên đơn vị này chỉ đề nghị mức tăng 8%.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đề xuất tăng lương tối thiểu 8% được tính toán dựa trên những căn cứ rất khoa học, từ điều tra thu nhập, đời sống công nhân, những nghị quyết quốc hội. Ảnh: T.A
“Chúng tôi nghĩ rằng, năm 2017 kinh tế khó khăn, Tổng LĐLĐ đã có chia sẻ với giới chủ rồi, tốc độ tăng trưởng năm ngoái thấp hơn năm nay, CPI còn cao hơn năm nay nhưng vẫn quyết định tăng lương tối thiểu là 8,6%, không có lý gì năm nay lại không tăng hoặc tăng thấp hơn 8%”, ông Chính phân tích.
Thêm vào đó, theo ông Chính vừa qua Chính phủ cũng đã quyết định tăng lương cơ bản cho đơn vị sự nghiệp và người hưởng lương hưu gần 7%, không có lý gì tiền lương của người công nhân lại thấp hơn cả đơn vị hành chính sự nghiệp.
“Nếu giới chủ vẫn giữ nguyên quan điểm không tăng lương tối thiểu vùng thì không biết ăn nói thế nào với công nhân. Với chỉ số CPI tăng như hiện nay nếu không tăng lương thì tiền lương của người lao động đã bị mất giá, âm 4%. Điều này không phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Chính khẳng định.
Năm nay, thay vì đề xuất tăng bằng hoặc nhích hơn mức tăng năm 2018 (6,8%), Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức rất cao, 8% (tăng từ 220.000 – 330.000 đồng). Trong khi đó, Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm không tăng lương tối thiểu vùng.
Nếu giữ nguyên mức tăng lương tối thiểu vùng, nhiều khả năng lương lao động sẽ âm 4%. Ảnh: T.A
Trái ngược với mong muốn đề xuất của đại diện người lao động, bên lề cuộc họp, trao đổi với báo chí ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho chủ sử dụng lao động im lặng và nói tổ chức này giữ nguyên quan điểm không tăng.
Trước đó, ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động.
“Từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu. Tiếp đó, nhấn mạnh tiền lương tối thiểu nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường. Những yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... sẽ là căn cứ để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu”, ông Diệp nhấn mạnh.