Dân Việt

M&A trong nông nghiệp: Sóng ngầm nhưng dữ dội

Anh Thơ 27/07/2018 08:00 GMT+7
Từ năm 2008 đến năm 2017, đã có gần 4.000 thương vụ mua bán, sáp nhập và hợp nhất (M&A) với tổng giá trị trên 48,8 tỷ USD. Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù không thực sự sôi động như bất động sản hay bán lẻ nhưng những thương vụ M&A cũng tạo nên những cơn sóng ngầm.

Thương vụ bạc tỷ

Theo thông tin cung cấp tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 hồi tháng 4, PAN Group cho biết sẽ chi ít nhất 1.000 tỷ đồng để thực hiện các thương vụ M&A nhằm hoàn chỉnh chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp và thực phẩm.

img

Sau cổ phần hóa, Vinaseed hiện chiếm 15% thị phần lúa giống cả nước. Ảnh: T.L

"Thị trường M&A Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, đang đứng trước những cơ hội mới. Vì vậy cần đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tiếp tục khai thông hơn nữa dòng vốn đầu tư theo hình thức M&A, cũng như làm cho hoạt động M&A trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Bộ KHĐT
Nguyễn Thế Phương

Tham vọng này hoàn toàn có cơ sở khi PAN Group đang khẳng định những bước tiến vững chắc của mình vào lĩnh vực nông nghiệp. Mảng nông nghiệp của PAN đã được đầu tư, xây dựng và phát triển thông qua Công ty cổ phần PAN Farm (PAN Farm). Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, sở hữu 75% vốn Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và 63,8% tại Công ty cổ phần PAN Saladbowl. Nhờ M&A thành công với Vinaseed, PAN đã trở thành một trong những đơn vị cung cấp giống lúa, ngô, rau quả uy tín trên thị trường. Ngoài ra, PAN Group còn cung cấp các sản phẩm của các công ty thành viên như bánh kẹo Bibica; nước mắm 584, gạo…

Có thể nhìn thấy những thay đổi mạnh mẽ của Vinaseed từ cổ phần hóa và có sự tham gia của những nhà đầu tư như PAN Farm. Theo thống kê, Vinaseed tiêu thụ gần 3 vạn tấn hạt giống, tương đương gần 1 triệu hécta gieo trồng mỗi năm, thị phần chiếm 15% đối với lúa, 10% với ngô và 5% với hạt rau; hệ thống mạng lưới trải dài khắp cả nước với trên 1.000 đại lý cấp 1 toàn quốc.

Theo quan điểm của PAN, M&A chính là cách thu hút được những người đứng đầu có cùng mô hình kinh doanh, sau đó sẽ hỗ trợ họ về mặt truyền thông, marketing, những lĩnh vực trước đây doanh nghiệp không đủ nguồn lực để thực hiện.

Ngoài ra, còn rất nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp thành công, như Masan Nutri-Science (MNS) sở hữu 75,15% tại Proconco và 99,99% tại Anco. Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hiện có vốn điều lệ 672 tỷ đồng, kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính là thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng, giống cây trồng, chế biến lương thực. Tập đoàn có 5 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 44,04% vốn, tương đương 29,58 triệu cổ phiếu.

Hay Tập đoàn TH công bố sẽ đầu tư 35 triệu USD cho Công ty cổ phần Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF - công ty con của tập đoàn) đến năm 2020 để phát triển 3.000ha trồng rau, củ quả tại Thái Bình và 180ha tại Nghệ An.

Thị trường sẽ sôi động

Ông Đặng Xuân Minh - Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam cho biết, từ năm 2008 đến năm 2017, đã có gần 4.000 thương vụ mua bán, sáp nhập và hợp nhất với tổng giá trị trên 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 đã tăng 9 lần so với năm 2008.

Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt tới 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Còn trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, bằng 139% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo cả năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD.

Trong nông nghiệp, dù làn sóng M&A không mạnh mẽ như những lĩnh vực khác nhưng thời gian qua cũng đã ghi nhận sự đổ bộ ồ ạ của những “ông lớn” như Vingroup, PAN, Hoàng Anh Gia Lai, Unifarm… với tham vọng tạo ra một diện mạo sản xuất lớn. Và trong mắt các nhà đầu tư, nguồn lợi thu về từ nông nghiệp không hề nhỏ.

Điều đáng ghi nhận là, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang trở nên cởi mở hơn bao giờ hết. Chính phủ đã nâng mức gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao lên đến 100.000 tỷ đồng; các cam kết đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi Luật Đất đai cũng được Thủ tướng Chính phủ khẳng định ở nhiều diễn đàn.

“Các chủ trương và biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra bước ngoặt mới, mở ra kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với kỳ vọng lớn hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 – 2020, ngành nông nghiệp sẽ thoái vốn 2.190 tỷ đồng, với hàng loạt “ông lớn” trong ngành đã và đang trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam... cho thấy dư địa của những cuộc M&A còn tương đối lớn, dù rằng mảnh đất nông nghiệp cũng không phải “dễ nhằn”.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, nhiều ý kiến nhận định rằng, trong thời gian tới, xu hướng phát triển theo chuỗi giá trị sẽ lên ngôi, theo đó, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào mảng trồng trọt hoặc chăn nuôi, mà cả lĩnh vực chế biến và phân phối, bao gồm cả bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp hướng đến thị trường nội địa và các nước trong khu vực. Cách làm này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp vốn đang tồn tại một điểm yếu cố hữu là nhỏ lẻ và rời rạc.