Quá nhiều hồ sơ thất lạc
Khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết chính sách cho người có công là khi không còn căn cứ xác minh, giấy tờ gốc bị mất. Trường hợp của ông Nguyễn Mạnh Hùng ở xóm Đông, xã Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên, Thái Nguyên) là một ví dụ. Mặc dù bị thương 45 năm nhưng hiện, ông Hùng vẫn chưa được công nhận là thương binh.
Công tác quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam chiến đầu tại chiến trường Camphuchia. Ảnh: CTV
Ông Hùng nhớ lại: Vào tháng 8.1972, lúc đó ông cùng với 3 đồng đội đi khảo sát trận địa, chuẩn bị cho trận đánh phối hợp bộ binh tại đồi Cây Mít, phía tây làng Như Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị, Quảng Trị). Lúc đó ông là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 14, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 203 (Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp). Trong quá trình đi trinh sát, ông Hùng và đồng đội bị phục kích. Chiến sĩ Lê Văn Hiếu, quê ở Thanh Hóa hy sinh tại chỗ, ông và một đồng chí khác vừa đánh trả vừa lùi về sau được một đoạn thì bị địch bắn pháo cối. Ông bị một mảnh đạn găm vào khuỷu tay phải, một mảnh ở đỉnh đầu trái và một mảnh ở bắp chân phải.
Hoà bình lập, ông trở về công tác tại Trường Đoàn Trung ương, rồi Trường Cao đẳng Kinh tế -Tài chính Thái Nguyên. Năm 2007 trong một lần lên thăm lại đơn vị cũ, ông tình cờ giở hồ sơ quân nhân, tìm danh sách thương binh thì thấy tên ông đã bị xoá và dán đè lên trên là tên của một người khác.
Sau nhiều năm đi khiếu nại, tố cáo, ông Hùng đã được xác nhận bị thương, được cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy kết luận giám định thương tật. Tuy nhiên đến giờ ông vẫn chưa được công nhận thương binh để hưởng chế độ cho người có công.
Hạn chế trục lợi chính sách người có công
Đến nay cả nước đã xác nhận 1,2 triệu liệt sĩ > 127.000 Bà mẹ VN Anh hùng < 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Anh hùng lao động < 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. < 185.000 bệnh binh |
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, hiện cả nước vẫn còn khoảng còn khoảng 30.000 trường hợp tự kê khai, chưa được điều tra, xác nhận là người có công hay không và chưa được hưởng chính sách.
Song song với việc giải quyết chế độ liệt sĩ, quy tập, giám định hài cốt liệt sĩ, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người có công được xem là việc làm cấp thiết cần đẩy nhanh tiến độ. Tuy vậy, Bộ LĐTBXH vẫn cho rằng cần phải hạn chế tối đa các trường hợp lợi dụng trục lợi chính sách.
Theo ông Đỗ Đăng Khoa - Trưởng Phòng Chính sách 1 (Cục Người có công, Bộ LĐTBXH), tính đến nay cả nước đã xác nhận trên 1,2 triệu liệt sĩ; trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185.000 bệnh binh; gần 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng; trên 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc)...
Về cơ bản, đa số người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận vẫn còn một số trường hợp người có công thực sự chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi do không còn căn cứ để xác lập hồ sơ. Ngoài ra, đã xảy ra những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ gây phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội
1 triệu mộ liệt sĩ trên Cổng Thông tin điện tử “thongtinlietsi.gov.vn” |
“Chiến tranh qua đi đã lâu, nhiều người bị thất lạc giấy tờ gốc gây khó khăn cho việc thẩm định, xét duyệt. Việc hạn chế trong khâu quản lý và tổ chức thực hiện kiểm tra các chế độ, thủ tục, quản lý hồ sơ còn chưa chặt chẽ... đã xảy ra hiện tượng xác nhận không đúng trường hợp bị thương, xác nhận sai người được hưởng chế độ” – ông Dung nói.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015”, hiện cả nước vẫn còn khoảng 2.020 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ; 1.496 trường hợp đề nghị xác nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 7.871 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 855 trường hợp đề nghị xác nhận bệnh binh; 16.295 trường hợp đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...).
Đến nay, các địa phương đã giải quyết được gần 11.000 trường hợp; đang tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết trên 11.000 trường hợp các địa phương.
Tuy vậy, nhiều trường hợp chưa có hồ sơ và cũng không có căn cứ để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…
“Chúng ta nên có lời xin lỗi tới gia đình các thân nhân liệt sĩ”! Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm nhưng nhiều phần mộ liệt sĩ vẫn chưa được xác nhận danh tính. PV NTNN đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Thuý Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) về vấn đề này. Chiến tranh đã qua lâu nhưng nhiều gia đình vẫn đau đáu nỗi đau chưa thể tìm được mộ liệt sĩ. Bà đánh giá thế nào về công tác quy tập, giám định để xác định mộ liệt sĩ hiện nay? - Hiện nhà nước có 2 đề án. Đề án 1237 là tìm kiếm và quy tập hài cốt giao cho Bộ quốc phòng; Đề án 150 là xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giao cho Bộ LĐTBXH. Cả hai đề án này mới được hình thành từ năm 2013 sau khi “vấn nạn” ngoại cảm đã khiến nhiều gia đình liệt sĩ lao đao. Có thể nói cả hai đề án đều rất nhân văn nhưng chưa thực thiết thực vì nó ra đời quá muộn. Hơn nữa, theo nghiên cứu của tôi trong quá trình thực hiện đang nảy sinh khá nhiều vấn đề bất cập. Bà Ngô Thị Thúy Hằng tư vấn pháp lý cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: M.N Có ý kiến cho rằng, chiến tranh đã qua đi quá lâu, giờ phần mộ, xương cốt của các anh hùng liệt sĩ hoá đất, nên kết thúc tìm kiếm, dành thời gian công sức cho việc xác định ADN, công bố danh tính của ngôi mộ còn thiếu thông tin. Bà nghĩ sao về điều này? - Đúng vậy, đây chính là bất cập của 2 đề án tôi vừa nêu. Trong chiến tranh cũng có những liệt sĩ được chôn cất có sơ đồ, nhưng phần lớn là không có. Chiến tranh ác liệt, tất cả sức lực thời gian giành cho chiến đấu do vậy dù công tác tử sĩ có tốt đến đâu cũng khó mà chu toàn được. Nhiều trường hợp trận chiến kết thúc, vừa chôn cất xong thì bom đánh vào nơi chôn, hoặc bom làm sập hầm chết nhiều chiến sĩ, hoặc không được lộ nơi chôn vì bí mật quân sự hoặc do thú rừng... Những nguyên nhân này đều khiến cho hài cốt bị thất lạc, gây rất nhiều khó khăn cho việc tìm kiếm. Quá trình đi tìm mộ, hỗ trợ tư vấn pháp lý, giúp kết nối cho thân nhân liệt sĩ tôi thấy có liệt sĩ có sơ đồ chôn nhưng giờ cũng không xác định được tọa độ. Rồi có nhật ký đồng đội tả chi tiết nhưng giờ cảnh vật thay đổi vào tới nơi cũng không tìm ra… Trong khi đó, cơ quan chức năng rất hy vọng vào việc xác định ADN để tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ nhưng cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi chiến tranh qua rất lâu, trong thời gian đó xương cốt mủn đi, chất lượng xấu. Hơn nữa chiến tranh ác liệt, có những trận chiến chết vài trăm người, xương cốt bị lẫn lộn rất khó xác định, kể cả bằng giám định ADN. Hiện nay MARIN không hỗ trợ tìm hài cốt cũng như làm giám định ADN mà chỉ hỗ trợ tìm thông tin liệt sĩ, trong đó có thể có cả thông tin về phần mộ liệt sĩ và những chính sách có liên quan. Ngoài ra hiện nay chúng tôi đang tập trung thông báo về phần mộ và trợ giúp pháp lý để các gia đình có thể nhận lại những phần mộ thiếu thông tin hoặc sai thông tin. Theo bà, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy quá trình quy tập, giám định, đưa thông tin về phần mộ? - Theo tôi, đây là việc khá nhạy cảm. Nhưng như tôi đã nói ở trên việc tìm kiếm hay xác định danh tính hài cốt trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn, không thực tế do chiến tranh thì ác liệt, cuộc chiến lại qua đi đã lâu. Thay vì giải mã phiên hiệu, khai quật tràn lan bia mộ làm xét nghiệm ADN. Tốt nhất, chúng ta nên có lời xin lỗi tới các gia đình thân nhân liệt sĩ. Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng cần thống kế và hợp nhất 2 nguồn dữ liệu là hồ sơ quân nhân nhập ngũ và hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh để điều chỉnh thông tin quân nhân - nay là liệt sĩ - cho phù hợp và chính xác từ ngày hy sinh. Điều này góp phần làm rõ thông tin của liệt sĩ về đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh thực tế, trường hợp hy sinh, thi hài được chôn hay không được chôn, nếu chôn, chôn tại đâu, tài liệu chôn cất còn hay không còn (sơ đồ mộ chí, tọa độ…). Đồng thời Bộ Quốc phòng cũng nên nghiên cứu sớm ban hành hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất tích tới từng gia đình liệt sĩ thông qua xã đội để gia đình liệt sĩ không mất nhiều thời gian như hiện nay. Bộ LĐTBXH cũng cần hợp nhất nguồn thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ và nguồn thông tin mà các gia đình liệt sĩ đang hưởng chế độ tử tuất, thờ cúng; thực hiện phân loại các phần mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Mộ có thông tin nhưng chưa chính xác hoặc thiếu thì cần phân loại để áp dụng phương pháp thực chứng xác minh mộ hoặc ADN để xác định danh tính. Xin cảm ơn bà! Minh Nguyệt (thực hiện) |