Vào tháng 12.2017, 3 năm sau khi gần 1/3 đất nước nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tự hào tuyên bố quốc gia Trung Đông này đã đánh bại hoàn toàn tổ chức cực đoan, kết thúc chiến tranh.
Thế nhưng, khi mà người Iraq đang say men chiến thắng, nhiều nhà phân tích lúc ấy đã cảnh báo rằng các tay súng cực đoan chưa hoàn toàn bị tiêu diệt mà đã phân tán ẩn mình và sẽ sẽ quay trở lại khi có cơ hội.
Một binh sĩ Iraq trong trận đấu súng với phiến quân IS. Ảnh: Getty.
Theo RT, có vẻ như những lời cảnh báo này đã trở thành sự thật khi mà trong vài tuần gần đây, rất nhiều phóng viên phương Tây tại Iraq đã ghi nhận sự quay lại của “bóng ma” IS. Cụ thể, theo tờ Washington Post, các chiến binh IS đã bắt đầu áp dụng các chiến thuật “hiểm ác” như bắt cóc, phá hoại cơ sở để chống lại Baghdad.
“Trong vòng 2 tháng trở lại đây, hàng chục người, bao gồm quan chức địa phương, các trưởng lão và cả trưởng làng, đã bị bắt cóc, giết hại hoặc đòi tiền chuộc từ các chiến binh tuyên bố trung thành với IS”, tờ Washington Post viết.
“Các cơ sở điện lực và đường ống dầu bị phá hoại. Những chiến binh vũ trang đóng giả lực lượng an ninh, dựng lên các điểm kiểm soát trá hình để cướp tài sản của người qua đường. Việc này khiến cho cao tốc chính Baghdad-Kirkuk trở thành một điểm đen giao thông trong nhiều tuần liền”.
Nhận định về việc này, Washington Post cho rằng do không còn mạnh như trước, IS đã tìm cách thích nghi với tình cảnh hiện tại của mình bằng cách tận dụng người dân địa phương cho các hoạt động tàn bạo.
“Sau thất bại ê chề, việc IS cố gắng quay trở lại là chuyện đương nhiên”, ông Hisham al-Hashimi – một chuyên gia chống khủng bố hiện đang cố vấn cho chính phủ Iraq cho hay.
“Tuy nhiên, IS đang quay lại với tốc độ nhanh hơn tôi từng dự đoán. Đây là một việc cực kỳ nguy hiểm”.
Theo RT, quản lý kém, cơ sở hạ tầng yếu và nạn tham nhũng tràn lan tại các khu vực nghèo khó của người Sunni đang bị các tay súng cực đoạn lợi dụng để đạt được các mục tiêu của mình.
“Không khó để thao túng sự bất mãn của người dân Iraq”, RT dẫn lại lời một phóng viên Reuters từng tác nghiệp tại Iraq cho biết.
“Nhiều người Iraq mất nhà cửa trong cuộc chiến với IS tại các thị trấn của người Sunni như Mosul và Tikrit nếu muốn về nhà thì phải hối lộ cho các quan chức vốn chủ yếu là người Shi’ite”.