Dân Việt

Thoát khỏi ‘oan gia’ mẹ chồng nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh

Thu Giang 29/07/2018 08:45 GMT+7
Tôi bị mẹ chồng không ưa từ khi mới kết hôn và chân ướt chân ráo về ở cùng nhà bà. Lý do muôn thuở và vợ chồng chúng tôi không hợp tuổi nên bị cấm cản rất nhiều.

Do không có sự hậu thuẫn của bố mẹ chồng nên vợ chồng tôi đi vay tiền ngân hàng để trù liệu kinh phí cho đám cưới. Tiền mừng cưới của vợ chồng tôi, bà đứng ra thu cả nhưng đi đâu cũng vỗ ngực khoe khoang đám cưới chúng nó tôi đứng ra lo liệu cả.

Về ở chung với bà, tính bà sáng nắng chiều mưa làm tôi cứ lo thon thót. Có khi bà đang cười nói vui vẻ, nhưng chợt nhớ ra chuyện gì không hài lòng trong quá khứ là bà bỗng nhiên nổi cơn tam bành, tức giận làm ầm cửa ầm nhà. Phòng cưới của vợ chồng tôi, bà cũng can thiệp, bắt mua sắm sắp xếp theo đúng ý bà. Tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi khi sống chung với mẹ chồng độc đoán gia trưởng.

Mẹ chồng tôi có 2 con trai. Chút út được bà lo lót từ đầu đến chân vì luôn theo ý bà, không bao giờ cãi. Ngay từ khi tôi mới chân ướt chân ráo về làm dâu, bà đứng ra tuyên bố, nhà cửa đất đai sau này bà thừa kế lại cho chú út hết. Vợ chồng tôi lo liệu bảo nhau mà làm ăn, đừng mong chờ tơ hào gì của hồi môn từ bà.

img

Mẹ chồng luôn soi mói tôi từng chút một. Ảnh minh họa

Tính tôi thẳng thắn, không ưa nói ngọt nên bà càng ghét. Mẹ chồng nàng dâu ở chung nhà, càng ngày càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Không khí gia đình căng thẳng tột độ từ khi tôi sinh con trai đầu lòng. Bà một mực bắt tôi chăm cháu theo kiểu của bà khiến tôi gần như mất quyền làm mẹ. Mà “kiểu của bà” là phương pháp chăm trẻ nhỏ theo kiểu xưa cũ. Bà ăn trầu cả ngày, nhưng chuyên dùng miệng còn đỏ màu trầu đó nhai búng cho con trai tôi. Khi tôi nhỏ nhẹ góp ý thì bà làm ầm ĩ lên. Em bé mới ba tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện, bà đã tính quấy bột và cho bé ăn dặm. Khi tôi cực lực phản đối, bà lén chắt nước cơm rồi pha đường cho bé uống.

Sau một vài lần ầm ĩ cửa nhà thì tôi cũng xin đưa được con về nhà ngoại. Ông bà ngoại giúp đỡ mẹ con tôi rất nhiều, đặc biệt luôn tôn trọng và hỏi ý kiến tôi mỗi khi chăm lo cho bé. Khi con được một năm tuổi, tôi nộp đơn xin đi làm trở lại. May mắn cho tôi vẫn xin được lại vị trí công việc cũ, làm kiểm toán. Thế nên tôi như cá gặp nước, thỏa sức phát huy những kiến thức đã được tiếp thu khi còn học đại học. Những kinh nghiệm thu thập được thời gian đi làm trước khi có con nhỏ cũng khiến tôi thêm tự tin và khẳng định năng lực của bản thân.

Tết năm đó, tôi bế con về nhà nội với ước nguyện hàn gắn, những mong con tôi có một gia đình đầy đủ với ông bà và cha mẹ. Thế nhưng một chuyện tày trời xảy ra khiến tôi đã xách va li cương quyết bước ra khỏi ngôi nhà đó ngay tắp lự mà không có một chút hối hận.

Nguyên nhân là tôi có xin phép về lại bên ngoại ăn tất niên. Hôm trước đó, khi tôi bày tỏ với chồng, đã được sự đồng ý của anh. Đến hôm sau tôi chuẩn bị thu xếp về thì bé con đột nhiên nôn trớ. Kế hoạch bị gián đoạn. Đến quá 12 giờ trưa, chưa thấy cả nhà tôi bế con về nên ông bà ngoại sốt ruột gọi điện qua hỏi. Chồng tôi nói chiều nay anh có khách nên việc về nhà ngoại tạm thời hoãn lại, cả gia đình vợ chồng con cái không về nữa. Bà nội bé ở dưới bếp, nghe câu được câu chăng, liền hằm hằm đi lên nói xẵng “mày muốn về thì cút luôn đi”. Máu nóng trong người nổi lên, trong lúc quá tức giận, tôi đáp trả lại: “Mẹ không phải đuổi”.

Thế là bà đóng cửa phòng lại, túm tóc tôi và ấn đầu tôi xuống đất, vừa làm vừa chửi rủa không tiếc lời. Chồng tôi có mặt ở đó, nhưng tuyệt nhiên không hé răng bênh vực vợ hay đứng ra khuyên giải dù chỉ một câu.

Quá đau đớn và tuyệt vọng, tôi gói ghém hành lý, mặc ấm cho con rồi tức tưởi bế bé đi ra khỏi ngôi nhà đó. Bố mẹ đẻ tôi, như muôn vàn những ông bố bà mẹ khác, khi con gái sa cơ lỡ bước lại dang rộng vòng tay đón mẹ con tôi về.

img

Tôi vẫn bị ám ảnh bởi mẹ chồng dù đã rời khỏi ngôi nhà đó rất lâu rồi. Ảnh minh họa

Đã hơn nửa năm kể từ ngày tôi cương quyết ra đi khỏi ngôi nhà đó, chồng tôi vẫn không quay lại đón mẹ con tôi hay xin lỗi dù chỉ một lời.

Trong thâm tâm, một mặt tôi vẫn mong chờ chồng qua đón, hay chỉ một lời xin lỗi thay mẹ anh để cho tôi được vỗ về và cảm thấy chút nhẹ lòng. Nhưng đôi khi nghĩ lại quãng thời gian khủng khiếp khi sống chung một mái nhà với bà mẹ chồng quá ghê gớm, cộng thêm người chồng nhu nhược không bảo vệ nổi vợ thì tôi lại tự nhủ lòng mình, có lẽ tôi làm mẹ đơn thân lại là phương án tốt hơn cả.

Con tôi vẫn có ông bà ngoại bên cạnh động viên đỡ đần, tôi vẫn có chỗ dựa tinh thần vững chắc bên bố mẹ đẻ. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến tôi cảm thấy ấm lòng và tiếp tục những kế hoạch còn dang dở của đời mình.