Chợ Tân Hạnh được xây dựng bên bờ sông Đồng Nai ở khu vực thuộc xã Tân Hạnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) để đáp ứng nhu cầu buôn bán của hơn 130 tiểu thương. Vào tháng 6 vừa qua, khoảng 20m kè sau chợ bị nước cuốn đổ sập xuống sông, kéo theo nhiều ki-ốt của người dân.
Tiểu thương Nguyễn Thu Nguyệt cho biết: "Trước đây, kè sát sau chợ nhưng giờ bị sập xuống sông, nằm cách bờ hơn chục mét".
Theo bà Nguyệt, tình trạng sạt lở xảy ra vào đêm 23.6. Thời gian này không có tiểu thương nào có mặt ở chợ nên không gây thiệt hại về người. "Khoảng 20 ki-ốt cũng bị sập xuống sông. Hiện tại, phần nền còn lại của chợ xuất hiện nhiều vết nứt dài, chạy song song với bờ sông. Thời gian này mưa nhiều, nước cuốn mạnh nên những người buôn bán trong chợ rất sợ", tiểu thương tên Tám cho hay.
Diện tích chợ bị "hà bá" cuốn sập rộng hàng trăm mét vuông. Ở khu vực này, nền đất phía sau nứt vỡ, tạo thành vực nguy hiểm.
Một phần kết cấu bê tông, cốt thép của ki-ốt trong chợ bị đổ gãy.
Phần còn lại của một ki-ốt nằm dưới sông.
Nhiều vị trí bị nước xói lở tạo thành hàm ếch sâu cả mét.
Theo lãnh đạo xã Tân Hạnh, khu vực chợ bị sạt lở từ dưới bờ sông có thể do nước thủy triều gây xoáy, khoét vào bờ. Khu vực này cũng chịu tác động từ các đợt sóng mạnh do tàu thuyền, sà lan lưu thông trên sông và tác động từ tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai.
20 ki-ốt bị sập xuống sông trong khi nhiều ki-ốt khác bị nứt ở phần nền bê tông nên các tiểu thương buộc chuyển đến khu vực khác để buôn bán.
Phần nền bê tông ở chợ nhô ra sông trong khi phần đất bên dưới bị nước xói mòn, tạo hàm ếch.
Khu vực kè chợ Tân Hạnh có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng do UBND xã Tân Hạnh làm chủ đầu tư. Công trình do một công ty ở TP.HCM xây dựng và được nghiệm thu vào tháng 6.2017. Ông Đinh Công Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh cho biết, công trình vẫn còn thời hạn bảo hành. Chính quyền xã đã lập đoàn kiểm tra thực tế và yêu cầu công ty xây dựng khắc phục hậu quả.
Các tiểu thương buôn bán ở các ki-ốt còn lại của chợ. Phía sau chợ, lực lượng chức năng dùng bạt che và hạn chế người dân ra khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn.