Điểm nóng về sốt xuất huyết
Năm 2017, Hà Nội là một điểm nóng về sốt xuất huyết, với đỉnh dịch từ tháng 5-8, khiến 37.000 người mắc, 7 ca tử vong. Có nhiều tuần có 4.000-5.000 ca mắc. Từ đầu năm 2018 đến nay, các ca sốt xuất huyết tại địa bàn Hà Nội giảm mạnh.
Phun thuốc diệt muỗi tại phường Minh Khai (TP.Hà Nội). Ảnh: D.L
Khuyến cáo của Bộ Y tế Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông. |
Báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội ngày 23.7 cho biết, trong tuần (từ ngày 16 đến 22.7), trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp sởi, 44 trường hợp tay chân miệng và 3 trường hợp ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã có gần 250 trường hợp sốt xuất huyết, 253 trường hợp sởi, 1.024 trường hợp tay chân miệng và 43 trường hợp ho gà.
Hầu hết các dịch bệnh đều có số mắc giảm so với các tuần trước đó và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết năm nay giảm nhiều so với cùng kỳ của năm 2017 (giảm 96,3%).
Tuy nhiên, PGS-TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhiều tuần qua, mưa kéo dài, khiến nhiều vùng của Hà Nội ngập cục bộ, các vũng nước đọng sẽ rất lớn. Đây sẽ là các ổ dịch lý tưởng để muỗi đẻ trứng và làm bùng phát dịch sốt xuất huyết bất cứ lúc nào. Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Do mưa nhiều, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong mùa mưa như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ... Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác tiêm chủng để chủ động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh như: Sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản...
Dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018 tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh, sốt xuất huyết hiện nay đa số giảm so với cùng kỳ năm 2017 tuy nhiên cũng đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng so với các tuần đầu năm.
PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong (tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa). So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. “Dù số mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè... đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao” – PGS Phu nhận định.
Để chủ động phòng chống dịch, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018, xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở.
Tuy nhiên, theo PGS Phu, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.