Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 73.000 y bác sỹ làm trong công tác điều trị, gần 130.000 điều dưỡng, nữ hộ sinh công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng -nữ hộ sinh /BS là 1,8. Tỷ số điều dưỡng trên 1 giường bệnh kế hoạch là 0,395 và giường bệnh thực kê là 0,304 thấp hơn rất nhiều so với quy định và các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015 cứ 4 điều dưỡng ra trường thì chỉ có 1 điều dưỡng có cơ hội việc làm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế khẳng định, dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Ở Việt Nam, trong những năm qua, công tác điều dưỡng, hộ sinh đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực: chính sách, hệ thống tổ chức, quản lý, đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học.
Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người Điều dưỡng-Hộ sinh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng chỉ ra những hạn chế của đội ngũ điều dưỡng như: Nhận thức về địa vị và giá trị của ngành điều dưỡng trong y học và trong khám bệnh, chữa bệnh của một bộ phận cán bộ y tế và người dân chưa đúng, cho rằng “Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh, bác sỹ bảo gì làm nấy”. Vì vậy mặc dù đã được đào tạo ở bậc đại học và sau đại học nhưng vị thế xã hội của người làm công tác điều dưỡng vẫn bị đánh giá thấp.
Ngoài ra, hệ thống quản lý điều dưỡng chưa được quan tâm hoàn thiện; Nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh thiếu nhiều về số lượng và trình độ chuyên môn. Điều dưỡng, hộ sinh vừa thiếu lại phải vừa làm các công việc ngoài chuyên môn như hành chính, thanh toán bảo hiểm… dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ các bước của quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như thực hiện giao tiếp, hướng dẫn giáo dục sức khỏe để thiết lập mối quan hệ gần gũi điều dưỡng – người bệnh. Việc thiếu nhân lực điều dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sức khỏe của người điều dưỡng.
Nhận thức về địa vị và giá trị của ngành điều dưỡng trong y học và trong khám bệnh, chữa bệnh của một bộ phận cán bộ y tế và người dân chưa đúng
Như vậy, mặc dù nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh tại Việt Nam ngày nay đã được quan tâm tuyển dụng và tăng dần hằng năm nhưng về số lượng và cơ cấu vẫn còn thiếu nhiều so với quy định. Tuy nhiên khác với các nước phát triển, nhân lực điều dưỡng của Việt Nam thiếu thật thừa ảo. Chỉ tiêu tuyển điều dưỡng vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo.
Tại các bệnh viện chưa hoàn thiện mô hình chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, công tác chăm sóc còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh do nhân lực điều dưỡng thiếu. Điều dưỡng hành nghề chưa theo văn bằng đào tạo, điều dưỡng đại học hành nghề dưới tải, điều dưỡng trung học hành nghề trên tải.
Thứ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đổi mới về chính sách điều dưỡng, hệ thống quản lý điều dưỡng; Tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh; Đổi mới phong cách thái độ phục vụ và cải tiến chất lượng chăm hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Cập nhật, hoàn thiện quy trình chăm sóc người bệnh và tính chi phí thực hiện phù hợp.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong Bộ 83 Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có nhiều tiêu chí liên quan đến hoạt động của điều dưỡng, đặc biệt trong những tiêu chí hướng về người bệnh. Chăm sóc không tốt sẽ không có những thành quả điều trị, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế.
Công tác tiếp xúc đầu tiên với người bệnh là điều dưỡng. Theo nguyên lý y học gia đình điều dưỡng cũng là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất. Tuy nhiên bên cạnh đại đa số các điều dưỡng có chuyên môn tốt, phong cách, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh tốt thì vẫn còn một số điều dưỡng có thái độ chưa chuẩn mực gây bức xúc cho người bệnh, một số điều dưỡng vẫn để xảy ra sai sót chuyên môn... gây mất niềm tin cho người bệnh.
Do đó, PGS Khuê cho rằng cần phải đổi mới công tác điều dưỡng để thực hiện tốt 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm: an toàn và hài lòng người bệnh.