Dân Việt

Không chỉ bolero, nhiều 'hit' cũ cũng "đội mồ" sống lại

Đào Nguyễn 30/07/2018 07:25 GMT+7
Không chỉ có dòng nhạc bolero bất ngờ sống dậy mãnh liệt mà những bài hát Việt khiến người nghe cuồng nhiệt, cách đây 18, 20 năm hoặc lâu hơn thế cũng đang gấp rút trở mình. Làm sống lại bài “hit” cũ có vẻ được nhiều ca sỹ tên tuổi ở ta hiện nay biến thành trào lưu.

Làm mới hay “ăn mày dĩ vãng”?

Ít nhất trào lưu này lấy lòng được lực lượng khán giả đã qua thời “trẻ trâu”. Những “Tình thôi xót xa”; “Chân tình”; “Em về tinh khôi”, “Tuyết rơi mùa hè”… từng là những tình khúc đắm say một thời. Theo nhạc sỹ trẻ Dương Trường Giang thì việc hát lại bài hát cũ đương nhiên là một lựa chọn an toàn cho ca sỹ, vì lựa chọn một cái cũ đã sẵn có thành tích huy hoàng đương nhiên dễ dàng hơn việc đưa một cái mới toe để công chúng trải nghiệm và lên tiếng. Sự khẳng định chỗ đứng của cái mới thường truân chuyên, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc. Nhất là với khán giả Việt, hình như tính “hoài cổ” rất mạnh? Phải chăng đó là lí do vì sao Modern Talking đến Việt Nam lần nào, lần ấy đều cháy vé. Cũng phần nào lí giải vì sao các danh ca hải ngoại đã ở tuổi xế chiều về Việt Nam vẫn được chào đón, tung hô nhiệt liệt.

img

Đã có ca sỹ thành công vang dội khi sống lại “hit” cũ. Người nhận được nhiều lời khen nhất chính là Hà Anh Tuấn. Dương Trường Giang khen Hà Anh Tuấn làm mới “món ăn cũ” một cách thông minh và văn minh. Những “Tình thôi xót xa”, “Nơi ấy bình yên” (Bảo Chấn) hay “Tuyết rơi mùa hè”, “Chân tình” (Trần Lê Quỳnh), “Em về tinh khôi” (Quốc Bảo), “Tự khúc mùa đông”, “Tiếng gió xôn xao” (Tường Văn)… qua tiếng hát Hà Anh Tuấn, không chỉ chinh phục lực lượng khán giả cũ mà nhiều khán giả trẻ cũng rất “ưng bụng”. Thế nên trong thị trường ca nhạc bị bão hòa như hiện nay, liveshow của Hà Anh Tuấn vẫn cháy vé. Mưa lời khen của khán giả dành cho anh: “Cover mới lạ”; “Người chơi ngoại đạo khôn ngoan”… thậm chí có những lời khen hơi quá: “Điểm sáng hiếm hoi trong âm nhạc Việt”… Cho dù vậy Hà Anh Tuấn vẫn không thuyết phục được một số khán giả khó tính, vì cái cơ bản nhất, giọng hát của anh không phải “điểm sáng”. Có người thẳng thừng: “Một ca sỹ rất thông minh nhưng hát rất dở, phát âm bị đớt”. Tác giả “Phố không mùa” bổ sung ưu điểm của Hà Anh Tuấn: Không chỉ chăm chỉ làm mới ca khúc đình đám cũ, anh ấy còn tích cực thử nghiệm với những sáng tác mới.

img

Hà Anh Tuấn được khen “thông minh và văn minh” khi hát lại “hit” cũ.

Chẳng biết có phải “cú hích” từ thành công của Hà Anh Tuấn hay không, mà người thưởng thức gần đây thường xuyên được đãi những “món cũ” đi kèm “quảng cáo”: “Chế biến mới”,  rộn ràng chẳng kém trào lưu “cách tân áo dài”. Ưng Hoàng Phúc một thời gây chú ý với điệp khúc “Thà như thế, thà rằng như thế” quay sang xào lại một loạt “món cũ”: “Và như thế em đi” (trong album Đàn ông không được quên… Hết tình còn nghĩa, 2004); “Giọt nắng cuối chiều” (trong album Thà rằng như thế… Tôi đi tìm tôi, 2002). Có người khen Ưng Hoàng Phúc sau bao nhiêu thăng trầm vẫn giữ được phần nghe lẫn phần nhìn như 10 năm trước. Song lời chê  không ít. Những ca sỹ tên tuổi có nhu cầu hát lại bài “hit” một thời hãy chuẩn bị tinh thần đối mặt với những bình luận nghịch nhĩ của khán giả, kiểu như: Hết thời rồi nên “ăn mày dĩ vãng”? “Ăn bám hit xưa”… 

Thế nhưng, bất chấp những khen chê, các ca sỹ vẫn rủ nhau tìm về “dĩ vãng”. Lam Trường với dự án “Lam Trường 9pm live” cũng với mong muốn cùng khán giả ôn lại kỷ niệm, tái hiện thời hoàng kim. Anh nói: Dự án sẽ là “một cuộc hẹn hò. Sẽ có những ca khúc đã được khán giả yêu mến cùng những bài hát mới”. Phải chăng dắt khán giả trở lại thời thanh xuân của họ, dù bị chỉ trích, cũng vẫn là lựa chọn khôn ngoan, trong tình hình Việt Nam bị báo động về tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ?! Những ngày đầu tháng 8 này, khán giả thủ đô sẽ gặp lại cặp đôi Hồng Nhung- Lam Trường trong liveshow “Chờ em đến”. Họ vừa làm sống lại ca khúc “Tình yêu tôi hát” từng làm mưa làm gió cách đây 18 năm.

Đừng nói thiếu ca khúc hay

Theo quan điểm của nhạc sỹ Quốc Bảo: “Nếu thời vàng son của người nào đó đúng là của người đó thật (không phải vơ lấy của người khác) thì nhắc nhớ lại cũng không có gì sai, như gương các danh ca Mỹ hát lại thành tựu cuộc đời họ. Còn những người không nằm trong giai đoạn lịch sử đó, không có những hit riêng mà phải vay của người khác, thì chẳng ích gì cho họ. Không ai khen cả”.

img

Nhạc sỹ Dương Trường Giang: Đừng nói hiện nay thiếu ca khúc hay.

Có ý kiến đánh giá: Tái sinh bài “hit” cũ là lối đi thông minh khi ở ta đang thiếu vắng những ca khúc hay. Về điều này, nhạc sỹ Dương Trường Giang không đồng tình. Như trên đã nói, anh cho rằng, lựa chọn ca khúc cũ chẳng qua vì ca sỹ muốn lựa chọn an toàn cho mình, cái cũ dễ được chấp nhận hơn cái mới. Theo Dương Trường Giang, ca khúc hay bây giờ không thiếu. Anh không định ám chỉ ca khúc “Phố không mùa” gây tiếng vang của mình mà đánh sang những sáng tác của giới Underground. Và, nếu nói thiếu vắng những ca khúc hay trong giai đoạn hiện nay thì chẳng khác nào tạt nước lạnh vào đội ngũ cực kỳ đông đảo những nhạc sỹ chuyên và không chuyên ở ta?  Một nền âm nhạc đề cao ca khúc đến độ khiến những người theo đuổi dòng nhạc bác học lắm lúc phát hờn, phát giận vì cảm giác cô đơn, lạc lõng mà lại nói thiếu ca khúc hay, là sao? Hay “bụt chùa nhà không thiêng”? Mới đây, người ta còn rôm rả bàn chuyện một ca sỹ Hàn Quốc mua bản quyền ca khúc của Vũ Cát Tường kia mà?

Làm mới “hit” cũ theo Dương Trường Giang cũng có mặt tích cực vì góp phần làm phong phú thêm “mâm cỗ tinh thần” của khán giả. Anh lạc quan tin rằng, “món ngon” sẽ được giữ lại, “món không ngon” sẽ tự khắc bị đào thải. Thế nhưng không phải không đáng lo, biết đâu sau thời bội thực bolero người ta lại tiếp tục chứng kiến sự thống trị ngoạn mục  những bài hát đình đám cách đây  hai chục năm? Thiệt thòi chủ yếu cho khán giả trẻ. Họ đã từng khổ sở vì lỡ say mê “Sầu tím thiệp hồng” nay lại chuyển sang “Tình thôi xót xa” với cả “Người tình mùa đông” thì cũng đâu khác nhau là mấy, kể cả “món cũ” được hứa hẹn “chế biến mới”. Nghệ sỹ khi có ý định “cover” bài “hit” cũ thường tung vài lời bay bổng với khán giả. Song những câu nói kiểu như, đưa khán giả sống lại thời thanh xuân v.v… không thể che đậy sự lúng túng và trễ nải trên con đường sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ.