Hàng trăm bài thơ của Phapxa Chan liên tục chia sẻ trên mạng xã hội cá nhân. Trong đó, hơn 100 tác phẩm được giới thiệu tới độc giả qua hai tập thơ xuất bản trong hai năm qua: Giọt (NXB Hội Nhà Văn năm, 2017) và mới đây là Thiên đường dự bị (NXB Đà Nẵng, 2018).
Chân dung Phapxa Chan
Trưởng thành trong môi trường tu tập với sự soi chiếu của triết lý Phật học sâu sắc rồi từ đó nhập thế hoàn tục theo tiếng gọi tình yêu tha thiết với những vẻ đẹp trong cuộc sống đời thường, hành trình thơ của chàng du sĩ Phapxa Chan gợi nhiều đến con đường giác ngộ của những bậc huyền thoại tu hành đã đi vào văn chương nghệ thuật.
Nhà thơ Hoàng Hưng từng chia sẻ quá trình thơ của Phapxa Chan khiến ông liên tưởng tới nhân vật chính Siddhartha trong cuốn sách Câu chuyện dòng sông của nhà văn người Đức Herman Hesse.
Thơ anh có không ít bài trực tiếp thể hiện nỗi niềm trăn trở về con đường tìm vào cõi hiện sinh sâu thẳm của chính mình: “Để hạt cát trở thành hạt ngọc - để vết thương biến hóa vết trầm - con phải đi qua hành trình sa mạc - và tìm ra tiếng hát bên trong” (trích “Lời ân khải”, tập Giọt).
Bút danh Phapxa Chan (lấy theo pháp tự Chân Pháp Xa có từ khi thọ giới xuất gia năm 2005) của thi sĩ sinh năm 1992 Nguyễn Khánh Duy thường khiến không ít người đọc liên tưởng tới mối liên hệ giữa cảm hứng sáng tác của tác giả và đạo Phật. Nhưng chủ đề trong những tác phẩm của nhà thơ còn rất trẻ này lại không hề nằm giới hạn trong một tôn giáo nào.
Thậm chí chúng ta còn có thể thấy một mật độ xuất hiện khá dày của các bài thơ gọi tên Chúa một cách vô cùng tự nhiên hay có nhắc tới những điển tích Kinh Thánh trong hai tập thơ đã in: Chứng nhân, Vài cái đinh trên tay Chúa, Đừng nhìn từ mắt Chúa, Adam,…
Dường như sau nỗ lực đi tới điểm tận cùng của ngọn nguồn triết lý “sắc - không” thì người viết cũng bắt đầu nghiệm chứng sự tương đồng của các tôn giáo, sự tương đồng của cõi đời và cõi đạo. Chúa Trời hay Thánh Thần, Tiên, Phật phải chăng đều là những nhân ảnh siêu nhiên được phóng chiếu và bồi đắp nên từ nỗi cô đơn sâu thẳm của loài người bé nhỏ: “Anh hát và không mong Chúa Trời nghe thấy/ Anh hát vì thương cảm Chúa Trời/ Vì Người cũng chẳng được ai nghe thấy" (trích Bài hát cuối cùng).
Tập thơ Giọt xuất bản năm 2017
Giữa muôn vàn giọng thơ lãng mạn, dịu dàng quen thuộc của thơ Việt trẻ những năm gần đây, Phapxa Chan góp vào một tiếng nói đầy sức nặng đến từ sự khác biệt trong ngôn ngữ và hình ảnh thơ phản ánh tâm trí có khả năng nhận thức siêu hình và tư duy triết học cao độ: “Bóng tối chẳng thể làm người mù lạc lối/ như ánh sáng là vô nghĩa với mặt trời/ mặt trời chỉ cháy/ người mù chỉ mơ […] Giao cảm thánh thần/ là hai hốc mắt/ nơi chứa/ những mặt trời/ đã tắt” (trích Giao cảm thánh thần).
Một mặt khác, Phapxa Chan lại cho người đọc thấy suy tư triết lý không hề khiến thơ ca trở nên khô khan vô cảm, mà cũng như bao nhà thơ khác làm thơ để thả tung suối nguồn thi hứng chảy tràn trong tâm hồn mình.
Chàng du sĩ lang thang từng sống và viết ở nhiều nơi này vẫn có những bài thơ về tình yêu với cảm xúc rất trong trẻo đến từ một trái tim tươi mới đang đắm trong cơn say với cuộc đời: “Nhiễu điều làn khói bay qua/ Kịp cười nửa nụ đã sa trọn lòng/ Kịp trong một giọt tơ ròng/ Hoài thai song suối đòng đòng ngọt ngon/ Kịp trong một lẩy càn khôn/ Yêu em khéo đã mấy muôn năm rồi" (trích Diêu ca).
Đôi khi anh lại đem vào thơ mình một thể nghiệm tinh nghịch, dí dỏm mà không kém phần gợi nghĩ suy sâu sắc: “đã có một/ đời cho mình/ đi có mỏi/ đường chưa mòn” (trích Đ.C.M).
Thậm chí có cả những dòng tự răn mang ý thức phản tư lại cái tôi cá nhân khát khao được thể hiện, được lắng nghe của mình mãnh liệt: “Đừng cố hoàn thành một bài thơ/ vì có thể bạn đang làm hỏng một bài thơ khác/ bạn làm được gì/ giữa lòng đời tan tác/ hãy là một giọng chim khác - khát khao hát lên bài hát cuối cùng” (trích Bài hát cuối cùng).
Tập thơ Thiên đường dự bị xuất bản 2018
Có những nhà phê bình đã gọi Phapxa Chan là một người viết dũng cảm, vì không những dám chọn con đường thơ vốn lắm gian truân cho người cầm bút ở Việt Nam, mà còn dám chọn cho mình một mục tiêu khó khăn là viết ra những áng thơ vượt trên tầm thời đại, hướng đến những chân trời đã lâu “không có người bay”, bất chấp thực tế đang tồn tại trong thói quen chỉ dễ chấp nhận những tác phẩm có xúc cảm gần gũi, giọng thơ nhẹ nhàng trong giới độc giả hiện nay.
Quyết tâm tìm kiếm những điều lớn lao ấy đã có trên con đường theo đuổi nghệ thuật của thi sĩ từ trước. Bên cạnh sáng tác thơ, ít người biết rằng Phapxa Chan còn là một nhạc sĩ tài hoa với mong muốn viết nên những bản giao hưởng lớn. Thơ là một sự lựa chọn đến sau trên hành trình sáng tác, như chính thi sĩ từng có lần thật thà chia sẻ: anh bắt đầu viết thơ nhiều hơn vì làm thơ thì không mất tiền, trong khi làm nhạc mất rất nhiều tiền mới dựng được một bài hát.
Mặc dù chỉ là một người du hành đến muộn trên con đường thi ca, nhưng với những bài thơ không ngừng góp âm thêm điệu vào bản nhạc đời của mình, Phapxa Chan dường như đã đem đến nhiều hơn cho độc giả thay vì chỉ đơn thuần viết ra những “giọt an ủi dịu êm/ Nếu chẳng thể làm thế giới tốt thêm/ Ít nhất cũng khiến lòng ta bớt tủi"(trích bài thơ Giọt) cho chính mình.