Theo con số vừa được Tổng cục Hải quan công bố chiều 30/7, nếu như năm 2016, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trên chỉ là 4,6 triệu tấn thì tới năm 2017, con số này đã lên tới hơn 6,5 triệu tấn. Chỉ qua nửa đầu năm nay, lượng phế liệu nhựa, giấy, sắt thép thậm chí còn lên tới hơn 4 triệu tấn, trị giá hơn 1,2 tỷ đô la.
Chỉ sau 6 tháng đầu năm, đã có tới hơn 4 triệu tấn phế liệu nhựa, giấy, sắt thép đổ vào Việt Nam.
Trong các mặt hàng trên, phế liệu sắt thép chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong 6 tháng qua, trong số hơn 4 triệu tấn phế liệu thì có tới gần 2,7 triệu tấn là sắt thép với trị giá gần 960 triệu đô la. Tiếp theo là giấy với hơn 1 triệu tấn phế liệu nhập khẩu, trị giá gần 210 triệu đô la.
Nói về đường đi của các mặt hàng trên, phía hải quan thống kê, Nhật Bản là nước có tỷ trọng hàng xuất sang Việt Nam lớn nhất, gần 30% lượng phế liệu sắt thép là từ nước này. Tương tự, gần 25% nhựa phế liệu cũng là của Nhật Bản xuất sang Việt Nam.
Riêng về phế liệu sắt thép, Mỹ là thị trường lớn thứ 2 xuất sang Việt Nam với tỷ trọng 18,7%. Tiếp theo là một số thị trường như: Hong Kong (12,2%), Australia (7,7%), Trung Quốc (7,3%),…
Vấn đề phế liệu đổ vào Việt Nam đã được cảnh báo đặc biệt từ đầu năm nay, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu. Lượng phế liệu các nước đã tìm đường vào Việt Nam.
Lãnh đạo ngành hải quan thừa nhận, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp.
Vấn đề theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan không chỉ là lượng nhập khẩu tăng đột biến. Theo ông, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường.
Một trong những chiêu của doanh nghiệp là làm giả giấy tờ như giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho hay, theo quy định hiện tại, doanh nghiệp khi nhập khẩu chỉ phải nộp bản sao chứng thực hoặc bản photocopy các giấy tờ trên. Bởi vậy, đã có tình huống như công ty Đức Đạt, có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình. Công ty này đã làm giả hết các loại trên để nhập khẩu phế liệu.
Tuy nhiên ông Quang thừa nhận, để kiểm tra, cơ quan chức năng phải đi thu thập bản chính để đối chiếu. Thế nhưng, khi liên lạc với doanh nghiệp, nhiều đơn vị tránh né, gặp được lãnh đạo doanh nghiệp theo ông không phải là dễ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành thì chỉ ra vấn đề là, các giấy tờ trên hiện không được ngành tài nguyên môi trường cung cấp trên cổng thông tin một cửa quốc gia nên cơ quan hải quan không có cơ sở đối chiêu ngay lập tức.
Phía hải quan đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề trên nhưng lãnh đạo ngành hải quan cho biết, hiện danh sách đầy đủ vẫn chưa được ngành tài nguyên môi trường cung cấp.