Dân Việt

BLV Ngô Quang Tùng lý giải việc VTV bị “ép giá” bản quyền ASIAD

Hoàn Minh 31/07/2018 12:25 GMT+7
Theo thông báo mới nhất, VTV khẳng định không thể đàm phán việc mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018, trong đó có những trận bóng đá của U23 Việt Nam. Dưới góc nhìn của mình, bình luận viên (BLV) Ngô Quang Tùng đã có những lý giải.

Lý do VTV không mua bản quyền truyền hình ASIAD là vì đơn vị giữ bản quyền – Công ty KJSMWORLD CORP có trụ sở tại Hàn Quốc đặt giá quá cao cho trọn gói độc quyền các môn thi đấu tại ASIAD.

Trong khi đó, VTV chỉ muốn mua gói không độc quyền để phát miễn phí như các kỳ Olympic, ASIAD, SEA Games trước đây… nhưng KJSMWORLD CORP không đồng ý.

img

Trên trang chủ của mình, VTV khẳng định không thể đàm phán mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018.

Chia sẻ với Dân Việt về chuyện bản quyền nói trên, BLV Quang Tùng nói: “Câu chuyện bản quyền World Cup còn chưa ráo mực thì giờ lại tới bản quyền ASIAD. Cuối năm nay còn có AFF Cup nữa và sang năm là SEA Games, rồi Olympic 2020…

Theo tôi, về cơ bản, đối tác nước ngoài biết rõ điều gì đang diễn ra ở Việt Nam và họ có cớ để định giá”.

img

BLV Ngô Quang Tùng cho rằng nhà đài Việt Nam nên có những cam kết dài hạn với đối tác giữ bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao vốn nhận được sự quan tâm rất lớn từ người hâm mộ. Ảnh: I.T

Theo BLV Quang Tùng nếu không có kỳ tích U23 Việt Nam đầu năm nay thì có lẽ giá bản quyền ASIAD rất rẻ chứ chẳng có gì ầm ĩ:

“Có ai ngờ U23 giành HCB châu Á và giờ nhận được sự quan tâm nhiều đến thế. Trong kinh doanh nói chung và vấn đề bản quyền truyền hình nói riêng cũng vậy, luôn chứa đựng những yếu tố may mắn hoặc rủi ro.

Tôi nói thế có nghĩa là nếu các nhà đài Việt Nam thực sự dự đoán được tình hình và luôn đặt mục tiêu phục vụ khán giả lên hàng đầu thì tại sao không có những cam kết dài hơi với FIFA (giữ bản quyền World Cup), UEFA (giữ bản quyền EURO), Hội đồng Olympic châu Á (giữ bản quyền ASIAD)…

Với ASIAD, nếu VTV thông qua Ủy ban Olympic Việt Nam để có cuộc làm việc, cam kết gắn bó với Ủy ban Olympic châu Á 5-10 năm, khẳng định được là đối tác tin cậy, cam kết đi cùng nhau trên một đoạn đường đủ dài thì chắc chắn không có chuyện giá bản quyền tăng đột biến như những gì đã diễn ra thời gian qua”.

Chốt lại, BLV Quang Tùng bảo: “Giờ cũng đã qua cái thời một số đài dùng các sự kiện thể thao như một cách quảng bá thương hiệu.

Nếu không có cách tính đường dài mà chỉ được năm nào hay năm đó thì các nhà đài Việt Nam sẽ còn phải đối diện với những khó khăn về giá cả bản quyền truyền hình như suốt thời gian qua”.