Dân Việt

Bộ GD-ĐT nhận thiếu sót trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Việt Phương 31/07/2018 14:27 GMT+7
Buổi đối thoại giữa các chuyên gia giáo dục và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ xoay quanh những vấn đề của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Ngày 30.7, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tạo điều kiện và chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước về các vấn đề nóng của giáo dục trong thời gian vừa qua như chất lượng kỳ thi THPT, phương pháp tổ chức thi, gian lận thi cử diễn ra tại Hà Giang, Sơn La... cũng như phương hướng tổ chức kỳ thi THPT trong các năm tiếp theo.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Theo chia sẻ của TS Toán học Lê Thống Nhất, chuyên gia trực tiếp tham gia buổi làm việc, cả 2 phiên trao đổi đã diễn ra cởi mở, thẳng thắn xoay quanh nhiều vấn đề được cho là "nóng" của giáo dục Việt Nam như: Đề thi THPT quốc gia 2018 được đánh già là khó và quá khó đối với học sinh, không chỉ trong môn Toán, Tiếng Anh hay tổ hợp Khoa học tự nhiên mà kể cả môn Ngữ văn và Lịch sử; tỷ lệ tốt nghiệp cả nước quá cao mặc dù điểm thi THPT được cho là thấp; những "kẽ hở" về bảo mật quá trình tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm tạo điều kiện cho gian lận; ngân hàng đề thi chưa chất lượng; chất lượng đào tạo tại một số trường đại học còn thấp...

img

TS Lê Thống Nhất chia sẻ ý kiến góp ý với Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt, buổi thảo luận thông tin, phương hướng tổ chức thi THPT những năm 2019, 2020 là thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT, ổn định môn thi và hình thức thi như đã thông báo trước đây. Bộ GD-ĐT cần bám sát mục tiêu này trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt về đề thi và chấm thi trắc nghiệm.

Nghiên cứu trên tiến tới đánh giá chính xác trình độ học sinh, thí sinh có thể thi trên máy tính với ngân hàng đề thi tốt đảm bảo với một thí sinh dù ngẫu nhiên gặp đề nào cũng phải có kết quả như nhau về đánh giá năng lực. Các trung tâm khảo thí độc lập cũng có thể được xây dựng để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong những yêu cầu tuyển sinh của mình.

Các trường đại học, học viện, cao đẳng có phương án tuyển sinh tự chủ của mình, không bắt buộc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Buổi thảo luận cũng đi tới thống nhất không gọi kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi "2 trong 1" vì dễ dẫn tới hiểu sai về mục đích của kỳ thi. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường đại học tự tổ chức kỳ thi đầu vào của mình. Điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một yếu tố để bổ sung cho hồ sơ của thí sinh.

img

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn các chuyên gia giáo dục đã đồng hành cùng Bộ GD-ĐT.

Trước những chia sẻ hết sức thẳng thắn từ phía các chuyên gia và Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức. Trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm.

"Những thiếu sót mà Bộ GD-ĐT xin chịu trách nhiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề thi chưa phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia (đề khó so với yêu cầu của thi THPT). Việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết, đây là những điều cần sửa ngay để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới:

- Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.

- Tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi. Trong đó, những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các chuyên gia về việc trao đổi, làm rõ những điều đã đạt được, những ưu điểm của kỳ thi và đặc biệt là những thiếu sót của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Ông Nhạ cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý, giúp sức của các chuyên gia cùng cộng đồng quan tâm tới giáo dục.

Tham dự cuộc trao đổi cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có:

- GS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch Nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

- GS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thăng Long.

- Một số chuyên gia đã từng có ý kiến phân tích về kỳ thi như: GS Nguyễn Minh Thuyết; đại biểu Quốc hội Bùi Thị An; GS Phạm Tất Dong; GS Nguyễn Lân Dũng; nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Lê Trường Tùng; TS Quách Tuấn Ngọc; TS Lê Thống Nhất; TS Lương Hoài Nam và một số chuyên gia giáo dục.

Về phía Bộ GD-ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.

imgimgimg