Dân Việt

Một phần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể

Phương Đông (thực hiện) 29/03/2014 08:24 GMT+7
Liên quan đến việc người dân xã Phước Dinh phản ứng thái quá với Công ty TNHH Quang Thuận, tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN , cho rằng, để xảy ra sự cố đáng tiếc này có phần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương.
Liên quan đến việc người dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phản ứng thái quá với Công ty TNHH Quang Thuận, tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN, cho rằng, để xảy ra sự cố đáng tiếc này có phần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc giám sát doanh nghiệp thực hiện cam kết.

img
Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN

Thưa ông, quan điểm của T.Ư Hội NDVN về sự việc một số người dân xã Phước Dinh bị khởi tố và bắt giam do hành vi phá hoại tài sản của Công ty TNHH Quang Thuận?

-Thông qua Hội ND tỉnh Ninh Thuận và tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh, tôi cho rằng phản ứng của một số người dân xã Phước Dinh như thế là thái quá và đã vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý theo pháp luật.

Tuy nhiên, điều này thật đáng tiếc bởi nếu làm tốt công tác dân vận, giám sát thì chắc chắn sự việc không thể trở nên thái quá như vậy.

Tại sao ông lại nói sự việc này sẽ không trở nên xấu nếu làm tốt công tác dân vận và giám sát?

- Chính phủ, UBND tỉnh đã chấp nhận để doanh nghiệp vào khai thác, tận thu titan tại khu vực được xác định nằm trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Chính quyền đã họp dân, đa số người dân đã đồng tình với dự án khai thác, tận thu titan của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này đã từng bị đình chỉ vì gây ô nhiễm. Một trong những cam kết của doanh nghiệp Quang Thuận là phải khắc phục ô nhiễm, hoàn tất đường dẫn nước sạch cho dân trước khi tiến hành họat động trở lại. Nhưng doanh nghiệp làm ngược lại là tái hoạt động mà chưa hoàn thành đường dẫn nước sạch cho dân. Như vậy là doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết với dân và chưa làm đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho các ngành liên quan giám sát việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp. Nếu chính quyền giám sát tốt thì khó xảy ra sự cố người dân đốt phá tài sản của doanh nghiệp.

Từ thực tế vụ việc xảy ra ở Ninh Thuận, ông có thể rút ra những điều gì liên quan đến các dự án kinh tế gây ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp của ND?

-Tình trạng ND phản đối, phản ứng thái quá đối với các dự án kinh tế đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Theo tôi, để giảm thiểu tình trạng này, các dự án kinh tế nhạy cảm về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cần được thẩm định, cân nhắc kỹ lưỡng. Trước khi phê duyệt cần có sự tham vấn của MTTQ và các tổ chức đại diện hợp pháp của người dân. Chính quyền, doanh nghiệp cũng phải tổ chức đối thoại với dân nơi dự án dự định triển khai và giám sát chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết.

Ông Võ Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã thừa nhận đây là sai sót chủ quan của UBND tỉnh khi điều hành, triển khai các giải pháp chưa đồng bộ.

Trong vụ việc đáng tiếc ở xã Phước Dinh còn có thể do kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến cho ND, nhất là ND vùng dự án cần phải chú ý hơn.

Theo phản ánh của Hội ND tỉnh Ninh Thuận, cơ quan này đang tích cực vào cuộc tại điểm nóng xã Phước Dinh. Ông có ý kiến gì về việc này?

-Vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, ND thì đương nhiên Hội ND phải vào cuộc tham gia giải quyết.

Năm 2001, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 26 về việc tạo điều kiện để Hội ND các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND. Như tôi nói ban đầu, nếu như chính quyền, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội làm tốt công tác giám sát thì đâu đến nỗi xảy ra sự cố đáng tiếc là người dân phải phản ứng tiêu cực. Vai trò giám sát, phản biện của Hội ND sắp tới sẽ được cải thiện với việc đưa Quyết định 217/2013 của Ban Bí thư về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội…

Xin cảm ơn ông!

LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)
Hành vi của người dân nếu có sai phạm, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra nó độc lập với việc Công ty Quang Thuận gây ô nhiễm (nếu có). Trường hợp gây ô nhiễm cần được xem xét ở vụ việc khác. Người dân do thiếu hiểu biết pháp luật nên mới dẫn tới hành vi như vậy. Ngoài ra, cũng do người dân thiếu niềm tin dẫn tới việc họ tự phát tấn công. Dù đó cũng chỉ là một giải pháp tự bảo vệ mình nhưng đây là cách làm không đúng.

LS Đỗ Viết Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)
Trong pháp luật hình sự, các hành vi vi phạm pháp luật được tách bạch rất rõ ràng, không phải vì cái sai của tổ chức này, hay cá nhân ai đó gây ảnh hưởng cho mình là có thể xử sự lại bằng hành vi sai phạm khác.


Trong việc xảy ra giữa người dân 2 thôn Sơn Hải với Công ty TNHH MTV Quang Thuận rõ ràng là người dân có hành vi sai phạm. Ở đây Công ty Quang Thuận là pháp nhân, nếu có vấn đề gì người dân lẽ ra phải gặp người đại diện hợp pháp chứ không thể đánh công nhân, hay đốt phá, hủy hoại tài sản công ty. Hành vi của họ có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, có thể bị xem xét xử lý hình sự. Còn căn nguyên công ty gây ô nhiễm dẫn tới hành vi phạm pháp của người dân chỉ được xem xét khi ra tòa.
Lương Kết (ghi)

Chị Nguyễn Thị quý Châu (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận):
Tôi thấy vụ việc này có trách nhiệm của UBND và Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh và phòng ban liên quan của huyện Thuận Nam. Họ cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Chứ để đến khi tức nước vỡ bờ, trước phản ứng dữ dội của người dân thì lại dùng biện pháp hành chính bắt bớ, khởi tố tạo nên sự không phục từ trong lòng người dân.
B.B.Đ