Ô nhiễm chịu không nổi
Gần đây, nhóm phóng viên Dân Việt nhận được nhiều phản ánh bức xúc của người dân tại Khu sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về việc khu xử lý nước thải do Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) xây dựng đang gây ô nhiễm trầm trọng khiến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn.
Phóng viên Dân Việt đã có mặt tại khu vực được cho là “hệ thống xử lý nước thải” này. Sau cơn mưa ngắn, nước thải tràn lan ra diện tích hàng trăm mét vuông, sát tường nhà dân, bốc mùi hôi thối kinh khủng. Phóng viên phải đeo khẩu trang loại dày mới có thể lại gần.
Người dân xã Hoằng Thanh (các ông bà: Lê Phú Nguyên, Lê Công Khuyên, Nguyễn Thị Nếp, Nguyễn Thị Tuy...) bức xúc phản ánh với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Dân Việt
Không giấu nổi bức xúc, bà Nguyễn Thị Tuy (thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh) nói: “Đâu chỉ sau mưa, cứ hôm nào gió biển thổi vào là bao nhiêu mùi xú uế bay hết vào nhà. Tới giờ cơm, chúng tôi phải đóng chặt cửa, đốt hương để giảm mùi. Ruồi nhặng sinh sôi quá nhanh. Cứ đà này chúng tôi có khi phải bán nhà”.
Khu nước thải của Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) tràn ra môi trường. Ảnh: Dân Việt.
Còn anh Lê Tiến (xã Hoằng Thanh) kêu trời: “Chúng tôi phải chịu đựng hôi thối mấy năm nay rồi. Kể từ khi Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến trở thành chủ đầu tư khu du lịch Hải Tiến, họ nhanh chóng phân lô, bán nền, nhiều khách sạn, nhà hàng mọc lên san sát. Họ chỉ chăm chăm vào việc xây khách sạn, bán đất chứ có tập trung vào đầu tư hạ tầng hay đảm bảo môi trường sống cho những hộ dân từng sinh sống bao đời nay tại đây đâu. Giá đất tăng chóng mặt thật đấy nhưng sống hôi thối kiểu này ai mà chịu thấu nổi”.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại đây do khu vực chứa nước thải của Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) tràn ra môi trường không phải mới diễn ra. Trước đó, năm 2017, nhiều ngư dân xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa) đã phản ánh về việc bể chứa nước thải của Công ty này có biểu hiện thấm thẳng vào đất.
Phóng viên phải đeo khẩu trang loại dày mới vào được hiện trường do mùi hôi thối, xú uế mà nước thải ngập đường - nơi phóng viên đứng. Ảnh: Dân Việt
Tăng trưởng bất chấp, đánh đổi môi trường?
Được biết, khu du lịch biển Hải Tiến đi vào hoạt động từ năm 2012 do Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) làm chủ đầu tư và được địa phương giao diện tích đất ở vị trí đắc địa. Sau khi khách sạn Ánh Phương được xây dựng, cơn sốt đất tại đây đã kéo nhiều doanh nghiệp khác từ khắp cả nước mua lại mặt bằng được chia nhỏ từ đơn vị này với để xây khách sạn, nhà hàng. Rác thải, nước thải do kinh doanh đã quá tải.
Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương).
Thời điểm năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy hoạch 1/500 của chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến.
Đến 2017, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) đã xin được điều chỉnh quy hoạch, bổ sung nhiều nhà hàng, khách sạn quy mô 2-3 sao nhưng lại chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy hoạch điều chỉnh.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa duyệt, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tiêu chuẩn gồm: bể lắng cát, bể lắng đứng làn 1, bể lắng 2 vỏ, bể lọc sinh vật, bể aroten... thế nhưng bể chứa nước thải của Công ty này chỉ xây dạng thô vài chục mét khối.
Theo người dân nơi đây, bể chứa với dung tích kể trên không thấm gì với lượng thải hàng ngày của rất nhiều khách sạn, nhà hàng xả thải trực tiếp ra ngoài.
Toàn cảnh cả con đường lớn ngập ngụa nước thải đủ loại hôi thối từ bể thải của Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương).
Sau khi người dân bức xúc phản ứng, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (khách sạn Ánh Phương) đã đào thêm một hố lớn ở phía nam khu du lịch biển Hải Tiến để chứa thêm nước thải nhưng nước vẫn tràn ra khắp xung quanh.
Khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang có tốc độ phát triển nhanh, các khách sạn nơi đây như loạt tổ hợp khách sạn Ánh Phương, Paracel (Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Thanh Vân)... ngày ngày đón thêm nhiều du khách.
Đó là biểu hiện tích cực. Thế nhưng, tăng trưởng, phát triển du lịch không đồng nghĩa với việc những khách sạn, nhà hàng này cứ mặc sức xả thải để người dân phải chịu trận.
Liệu có phải lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) dường như mới chỉ chú trọng quan tâm tới việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án mà đang quên đi câu chuyện đảm bảo môi trường sống bền vững, lâu dài cho chính người dân?
“Vừa rồi, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, các phòng ban của huyện và xã đã có cuộc kiểm tra, bàn về việc khu nước thải của Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến tràn ra môi trường. Xã đã kiến nghị, đề xuất với Chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến, với huyện và tỉnh cần sớm có biện pháp xử lý môi trường ô nhiễm do khu nước thải này tràn ra môi trường càng sớm càng tốt” - ông Cao Đình Vũ - Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). |