Mưa lớn trong những ngày qua, nước từ thượng nguồn đổ về khiến khu Đồng Lọc (thuộc địa bàn hai xã Hoà Sơn (huyện Lương Sơn, Hoà Bình) và xã Đông Yên (huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị ngập sâu.
Để ngăn nước tràn xuống vùng hạ lưu thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội), người dân các địa phương cùng bộ đội đã cho đất vào bao tải để tạo đập nhân tạo ngăn lũ. Tuy nhiên, nước vẫn tuôn xối xả, tràn qua mặt đê khiến người dân địa phương lo lắng nghĩ đến phương án xấu nhất là vỡ đê. Điều này sẽ gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn.
Lực lượng chức năng hai huyện Lương Sơn, Hoà Bình và Quốc Oai, Hà Nội) đang cố gắng gia cố tuyến đê Dớn ngăn nước không tràn xuống hạ lưu. Ảnh: Thành An
Theo người dân địa phương nước bắt đầu đổ về mạnh nhất từ rạng sáng ngày 30.7. Nước dâng cao, tràn mạnh qua mặt đê, gây xói lở. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cho trải vải bạt để nước tràn qua, tránh vết xói lở ảnh hưởng đến thân đê.
Ông Nguyễn Văn Mờ - người dân thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, do nước mưa lớn đê Cố Thổ hay còn gọi là đê Dớn bị tràn 3 ngày nay.
"Hai hôm trước nước đê tràn không lớn, đến nay nước bắt đầu dâng cao dẫn đến nguy cơ sạt lở đê rất cao, do đó chính quyền địa phương đang cố gắng đắp đê gần 1km, ngăn cho nước không đổ xuống phía dưới ảnh hưởng đến đời sống nhân dân của hai xã Hòa Sơn và xã Đông Yên (Quốc Oai, Hà Nội)" - ông Mờ nói.
Trao đổi với PV Dân Việt tại hiện trường, ông Bùi Đức Quyên – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, từ ngày 20.7, do mưa lớn, nước lũ bắt đầu tràn về khu vực này, cống Keo ở Xuân Mai không tháo ra được để thoát nước ra sông Bùi khiến nước khu vực Đồng Lọc quá tải, tràn bờ đê.
"Trong suốt hai ngày, lực lượng thuộc Trung đoàn 102 và người dân hai xã Hòa Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) và Đông Yên (Quốc Oai, Hà Nội) đã tổ chức đắp bao tải đất để ngăn nước tràn qua đê, nhưng do nước ngày một dâng cao, sức cũng đã mệt nên chúng tôi đề xuất với lãnh đạo huyện huy động thêm lực lượng thuộc lữ đoàn 201 và công an địa phương xuống hỗ trợ nhân dân hai xã Hòa Sơn và Đông Yên nhanh chóng đắp, chắn đê không để nước thoát xuống khu vực nhà dân bên dưới" - ông Quyên cho biết.
Theo ông Quyên, nếu không gia cố, chắn đê nước tràn đê sẽ gây ảnh hưởng nặng đến khu vực lân cận, thậm chí có thể gây sạt lở, vỡ đê. "Nếu như vậy toàn bộ khu vực đầm cá, một loạt trang trại lợn với hàng nghìn con sẽ bị nước bủa vây. Đặc biệt, cả trăm nhà dân thuộc hai xã Hòa Sơn và Đông Yên cũng có nguy cơ ngập nặng"- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Sơn thông tin.
Nếu lực lượng chức năng không ngăn nước và tìm biện pháp bảo vệ đê hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Ảnh: Thành An
Trung tá Nguyễn Đỗ Tùng - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai cho biết, trước tình huống nước lũ càng ngày càng dâng cao, trong tối 29.7, 100 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 đã được huy động ứng trực tại địa bàn để giúp dân di chuyển tài sản, sơ tán người.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai cũng huy động thêm 250 dân quân tự vệ, thanh niên ở các địa bàn tham gia đắp đập ngăn nước. Hiện nước lũ vẫn tiếp tục dồn khiến một số đoạn phải cho tràn qua mặt đê để giảm áp lực lên toàn tuyến đê này.
Một số hình ảnh PV Dân Việt ghi lại tại hiện trường:
Mưa lớn kèm mưa lớn khiến khu Đồng Lọc thuộc địa bàn hai xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình và xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội (sát gần Hồ Chí Minh) bị ngập nặng, nước tràn qua đê Dớn khiến người dân địa phương cùng lực lượng chức năng phải đắp đất ngăn nước tràn xuống hạ lưu. Ảnh: Thành An
Hàng trăm tấn đất được chở đến để đắp "đê nhân tạo" cứu đê, cứu dân. Ảnh: Thành An
Sau ba ngày "đánh vật" với sức nước thiên nhiên, lực lượng quân đội, công an cùng với người dân địa phương đóng trên địa bàn đã phần nào hạn chế được nước tràn qua. Ảnh: Thành An
Ngoài cố gắng ngăn nước, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra đoạn đê bị nước tràn qua và vẫn cử lực lượng ứng trực đề phòng các sự cố có thể xảy ra. Ảnh: Thành An
Hiện nước lũ vẫn tiếp tục dồn khiến một số đoạn phải cho tràn qua mặt đê để giảm áp lực lên toàn tuyến đê này. Theo đó, cây cối xung quanh đê được chặt bỏ để trải bạt cho nước chảy qua đê không gây xói mòn. Ảnh: Thành An