Thu nhập cao, ổn định từ mô hình liên kết
Năm 2008, một số nông dân tại xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar đã liên kết với Công ty Cà phê Đắk Man thành lập Tổ liên kết Thương mại Công Bằng Ea Kiết để cùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Thay vì sản xuất cà phê theo cách truyền thống, những thành viên trong tổ này bắt đầu một thói quen sản xuất mới, quy củ và nghiêm ngặt hơn. Tổ liên kết thương mại này sau đó phát triển thành Hợp tác xã (HTX) với gần 100 xã viên, tổng diện tích liên kết cũng tăng lên gần 200 ha.
Mô hình trồng nhãn ở xã Ea Pil, huyện M'Đrắk đang cho nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng, môi trường… sản phẩm cà phê nhân của HTX được cấp chứng nhận “Thương mại công bằng” (Fairtrade) của Tổ chức Quốc tế về dán nhãn Thương mại công bằng (FLO). Nhờ đó, sản phẩm cà phê của các xã viên luôn được bán ra cao hơn so với thị trường từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tấn, mỗi hộ thành viên sản xuất từ 2-2,5 ha cà phê sẽ cho thu nhập tăng thêm từ 15 - 20 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, một xã viên của HTX này nói với chúng tôi: "Từ khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Nông dân tham gia mô hình liên kết được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà những năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá cà phê".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Đắk Lắk, những mô hình liên kết tương tự như trên đang phát triển mạnh, giúp nông dân dần thoát khỏi tình trạng bấp bênh do tình trạng thất thường về giá nông sản. Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, HTXDV nông nghiệp Công Bằng Ea Kmát đang giúp hơn 240 hộ dân có thu nhập cao và ổn định bằng việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các xã viên.
Hàng năm, HTX ký hợp đồng với Công ty Cà phê Đắk Man tổ chức cho các hộ xã viên sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO, 4C, UTZ. Cuối vụ, HTX tổ chức thu mua, sơ chế sản phẩm cho các hộ thành viên và xuất bán cho công ty cà phê Đắk Man với mức giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm khoảng 8.000 đồng/kg, mang lại giá trị gia tăng khoảng 30 triệu đồng/ha cà phê đối với tiêu chuẩn FlO. Không chỉ thế, nhờ việc tổ chức sản xuất khoa học, sản lượng cà phê của các xã viên cũng luôn ổn định ở mức cao.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp đang tháo "nút thắt" ở khâu sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, những năm qua, Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo phát triển mạnh các mô hình liên kết này.
Nhờ liên kết sản xuất mà cà phê của chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar) cho năng suất cao, giá bán luôn ổn định.
Tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm
Xác định việc phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi tạo động lực để xây dựng NTM, trong những năm qua, Đắk Lắk luôn chú trọng việc tái cơ cấu nông nghiệp trong quá trình xây dựng NTM. Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, một trong những địa phương thực hiện tốt việc này là huyện Krông Pắc.
Huyện này đã hỗ trợ nhân dân sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH MTV Cà phê 719 hợp đồng liên kết với nhân dân sản xuất, thu mua lúa giống; các công ty thu mua sầu riêng cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhân dân chăm sóc sầu riêng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện toàn huyện này đã triển khai được hàng chục mô hình phát triển sản xuất với hơn 100 mô hình trình diễn các giống lúa, ngô mới; tổ chức gần 300 lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân… Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sầu riêng xen cà phê ở xã Ea Tul, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Xác định việc tái cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên cho tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã chủ động bố trí vốn trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở NN&PTNT và Văn phòng điều phối NTM của tỉnh để triển khai hơn 120 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình cánh đồng lớn trên lúa nước, cà phê và một số cây trồng khác bước đầu mang lại hiệu quả.
Ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, Sở NN&PTNT, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư cho sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thì vấn đề tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân, thành lập các Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp hợp tác xã cũng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
Mô hình cà phê xen tiêu ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana cho nông dân lợi nhuận gấp rưỡi so với việc trồng thuần một loại cây.
Thể hiện rõ nét nhất là số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, đã trở thành mắt xích, cầu nối quan trọng để kết nối doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành nên các chuỗi giá trị hàng hóa, kết nối thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm chủ lực cà phê của tỉnh”.
Cũng theo ông Đông, để triển khai tốt việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương phải nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển sản xuất trong xây dựng NTM, tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất, sơ kết rút kinh nghiệm những chương trình đã triển khai, đồng thời dành nguồn lực hỗ trợ cho các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.
Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh; trong đó đặc biệt ưu tiên khuyến khích, phát triển các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện và nhu cầu liên kết, hợp tác trực tiếp với các HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến công tác hội nhập quốc tế, các chương trình lớn về khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.