Mới đây, ngày 26.2, tại Trường THCS Thanh Bình (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), trong lúc cự cãi, Văn Bá Phúc (SN 1996, học sinh lớp 9/1) đã dùng dao bấm đâm chết 2 học sinh Bùi Văn Thắng và Nguyễn Công Hậu. Tại tỉnh Lâm Đồng, trong một thời gian ngắn đã xảy ra 21 vụ học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, trong đó có 7 vụ gây thương vong.
Trước đó, trên các mặt báo, ở nhiều tỉnh, thành phố cũng hay xuất hiện những vụ học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, gây nên những cái chết thương tâm.
Trong thực tế, số vụ bạo lực học đường có dùng hung khí còn cao hơn nhiều bởi rất nhiều trường giấu giếm. Mặc dù, điều lệ trường phổ thông có quy định nghiêm cấm học sinh đem hung khí đến trường, nhiều trường có nhắc nhở việc này nhưng một số học sinh cá biệt vẫn bất chấp tất cả.
Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường đang gia tăng, trong thời gian qua, các trường đã đưa ra khá nhiều giải pháp, chủ yếu mang tính giáo dục, nhắc nhở, răn đe... Theo chúng tôi, chỉ có bấy nhiêu thì chưa thể chấn chỉnh được vấn nạn này, mà cần thực thi nhiều biện pháp giáo dục, rất cần có những biện pháp nghiêm khắc: Đuổi học có thời hạn từ một đến nhiều năm đối với học sinh tổ chức và tham gia đánh nhau để làm gương cho học sinh khác.
Không nên coi đây là giải pháp cuối cùng mà coi đó là cơ hội để gia đình tập trung giáo dục, dạy dỗ con cái. Ngoài ra, đối với học sinh cá biệt, phụ huynh cần kiên quyết, không bao bọc quá mức, nên gửi con mình đi trại giáo dưỡng một thời gian. Tôi thấy nhiều em đi giáo dưỡng về, tiến bộ, ngoan ngoãn hẳn lên, không tái phạm nữa.
Một thực trạng nữa là học sinh đâm chém nhau bị kỷ luật, phụ huynh đến năn nỉ, xin xỏ nhà trường giảm nhẹ hình thức kỷ luật cho con em mình cũng khá phổ biến hiện nay. Và nhiều nhà trường, thầy cô giáo, vì tình cảm, lý do này nọ mà cho qua… khiến cho học sinh ngày càng nhờn. Nếu nhà trường- phụ huynh cùng có các biện pháp hợp lý, kết hợp “nhu- cương” chắc chắn sai phạm sẽ giảm, bạo lực học đường sẽ đỡ nhức nhối!
Thanh Bình