Đây là thông tin đáng chú ý trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính công bố.
Đề xuất trao quyền điều tra ban đầu cho cơ quan thuế được nêu lên lần đầu vào năm ngoái. Với đề xuất trên, thẩm quyền của cơ quan thuế là được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.
Đề xuất từng bị cho là “vừa đá bóng vừa thổi còi” với việc trao thêm quyền điều tra cho cơ quan thuế đã tạm thời bị xóa bỏ.
Đặc biệt, theo dự thảo trước đó, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định.
Lý lẽ được đưa ra là cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế nên quá trình điều tra các vụ việc liên quan chậm trễ, tỷ lệ các vụ xử lý thấp. Trong khi ấy, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án.
Ngay sau đó, nhiều luồng ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Có quan điểm cho rằng, nếu như ngành thuế có chức năng điều tra, khởi tố thì quyền hạn là quá lớn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Điều VCCI lo lắng là cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Quá trình này có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch.
Trong dự thảo đưa ra hồi đầu tháng 7, đề xuất trên vẫn được phía Bộ Tài chính nêu lên. Tuy nhiên, tại dự thảo mới cập nhật, những quy định trên đã biến mất. Lý lẽ hay nguyên nhân bỏ chưa được phía Bộ Tài chính công bố./.