Dân Việt

Không can thiệp chính sách làm méo mó thị trường

Hoàng Nhật (thực hiện) 02/08/2018 07:12 GMT+7
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh bày tỏ sự đồng tình với đề xuất dừng chính sách hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo của Bộ Tài chính. Ông Minh cho rằng, không nên lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào hoạt động chung của nền kinh tế thị trường.

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất dừng chính sách hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo từ ngày 1.1.2019 của Bộ Tài chính?

- Tôi ủng hộ việc dừng chính sách hỗ trợ tài chính đối với người nghèo. Cá nhân tôi cho rằng tất cả các hành động trợ giá cho các nhóm, đối tượng trong xã hội, chúng ta nên bỏ. Nên để giá cả phản ánh đúng cung-cầu trên thị trường. Với người nghèo, dù họ dùng 10 số điện hay 50 số điện đều phải trả một số tiền tương ứng. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng chủ động điều tiết hành vi tiêu dùng của mình, có tính toán để sử dụng điện hợp lý hơn hoặc sử dụng nhiều thiết bị tiết kiệm điện hơn.

img

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh

Thêm vào đó, việc dừng hỗ trợ tiền điện cho người nghèo sẽ tách trách nhiệm an sinh xã hội ra khỏi hệ thống quản lý của ngành điện lực. Các đơn vị kinh doanh điện sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhờ tập trung vào hoạt động chính của mình thay vì phải dành thời gian, hao tổn chi phí do phải phân loại giữa đối tượng người nghèo và các đối tượng khác, đồng thời phải thiết kế một chính sách riêng cho đối tượng này.

Nói như vậy có nghĩa các cơ quan quản lý nhà nước không nên lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào hoạt động chung của nền kinh tế thị trường?

- Trách nhiệm an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo sẽ được chuyển hẳn sang cho các cơ quan, Bộ phụ trách như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể xã hội. Họ sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau cho những nhóm đối tượng khác nhau.

Tôi cho rằng không nên lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào hoạt động chung của nền kinh tế thị trường. Những vấn đề của thị trường nên để thị trường quyết định, không nên dùng chính sách can thiệp làm méo mó hệ thống giá cả. Các cơ quan quản lý nên tích hợp các chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về các chính sách giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo.

Nhưng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng mà ngân sách nhà nước tiết kiệm được không phải quá lớn, trong khi rất nhiều khoản chi khác của ngân sách như chi tiền lương, đầu tư lãng phí lớn hơn con số này rất nhiều lần… Thực tế, số tiền 1.000 tỷ đồng còn nhỏ hơn số tiền đầu tư một dự án "đắp chiếu" hiện nay?

- Cần tách bạch giữa 2 vấn đề: Trợ giá và quản lý thu - chi ngân sách.

Về vấn đề trợ giá, cần tính tới hiệu quả hoạt động của hệ thống ngành điện. Như tôi đã phân tích ở trên, trường hợp trợ giá điện đối với người nghèo đã tạo ra một hệ thống cồng kềnh, tất cả các bên đều chịu thiệt hại. Người tiêu dùng không tiết kiệm được tiền, nhà sản xuất chịu gánh nặng về chi phí quản trị và vận hành, còn các đơn vị, tổ chức có trách nhiệm hỗ trợ người nghèo cũng không thể nắm rõ thông tin người nghèo được hỗ trợ bao nhiêu để họ trợ cấp hiệu quả.

Còn quản lý thu-chi ngân sách là vấn đề mang tính chất vĩ mô. Bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, tham nhũng, thiếu tính minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình dẫn tới chi ngân sách không được quản lý tốt. Nếu Chính phủ không có biện pháp quản lý hiệu quả, sẽ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Đây là vấn đề hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Từ đây, có thể thấy chính sách trợ giá điện chỉ là vấn đề hiệu quả của một ngành, không nên lồng ghép vào bối cảnh chung của toàn bộ nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!