Theo anh Vĩnh, 1 chủ kinh doanh trái cây đặc sản trong Tp. Hồ Chí Minh, giá của nhãn tím dao động từ 200.000-350.000/kg. Dù rất đắt nhưng vì độc, lạ, ăn lại ngon nên nhiều người tìm và đặt mua. Cửa hàng anh hiện nay không còn hàng để bán.
Cũng theo anh Vĩnh, một năm có hai vụ nhãn tím là vào tháng 6 và Tết Nguyên đán. “Cây nhãn tím này không được trồng nguyên 1 vườn. Mà trong mỗi vườn trái cây chỉ có xen kẽ 1-2 cây. Mỗi cây lại chỉ thu hoạch được có vài chục cân nhãn tím nên thỉnh thoảng cửa hàng chúng tôi mới có hàng để bán. Bán hết hàng là phải đợi đến năm sau mới có để nhập tiếp”, anh Vĩnh cho biết.
Vì khan hiếm nên anh Vĩnh chỉ dành bán cho thị trường trong Nam. Khách ngoài Bắc đặt 1-2 kg thì tiền vận chuyển còn đắt hơn tiền hàng, mua nhiều hơn anh cũng không có mà bán. Anh Vĩnh chia sẻ, muốn giữ lại hàng để bán lẻ, nhiều người sẽ được thưởng thức loại quả này hơn.
Nhiều chủ kinh doanh nhãn tím cho biết, thương lái Thái Lan có sang săn tìm mua loại quả này. Nhưng đến trong nước còn khan hiếm, không có hàng mà bán thì sao xuất khẩu được.
Nhãn tím – Đặc sản siêu khan hiếm.
Anh Thành, 1 chủ cơ sở kinh doanh cây giống nhãn tím cho biết, tìm mua loại quả này rất khó nên nhiều thương lái Thái Lan đã chuyển sang nhập mua giống để về trồng thử. Khi mới được phát hiện và gây sốt cách đây 7 năm, giá của giống nhãn tím lên tới 3 triệu đồng/cây mà rất khan hàng. Thời điểm hiện tại, giá giảm xuống còn dưới 500.000đ/cây, vẫn đắt hơn giống nhãn bình thường 5-10 lần. Giá giống nhãn bình thường chỉ 20.000-100.000đ/cây, tùy loại.
Ở miền Bắc chưa có bất kỳ hộ nông dân nào chọn lựa mô hình nhãn tím để trồng. Anh Thành chia sẻ: “Tiền đầu tư ban đầu thì cao, rủi ro lớn do điều kiện đất đai và khí hậu ngoài Bắc không ổn định. Bên cạnh đó, tâm lý của người nông dân miền Bắc thường khá e ngại trước 1 loại hàng hóa mới. Lỡ có trồng được thì giá thành cao, nếu không có đầu ra ổn định thì thiệt hại rất lớn. Chính vì các yếu tố đó nên loại quả này vẫn chưa được trồng và nhân rộng ở ngoài Bắc. Tuy nhiên, gần đây, cũng đã có 1 vài hộ ở Hải Dương, Bắc Giang… mua giống cây này để trồng làm cảnh”
Nhiều gia đình ngoài Bắc trồng nhãn tím làm cây cảnh
Nói về “cha đẻ” của loại cây này, anh Thành cho biết, cách đây 10 năm, từ 1 nhánh nhãn có lá, hoa và quả máu tím lạ, ông Trần Văn Huy ở ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm (Kế Sách, Sóc Trăng) đã chiết cành và trồng thử. May mắn nó phát triển bình thường như bao cây nhãn khác trong vườn nhưng lại cho ra quả nhãn tím rất đặc biệt.
Dù được phát hiện từ 10 năm trước nhưng đến nay, nhãn tím vẫn chưa phải là loại quả phổ biến. Bởi loại nhãn này chỉ được trồng qua hình thức chiết cành chứ không phải trồng bằng hạt. Trong khi đó, đây là loại quả độc, lạ, gây sốt, vô cùng khan hiếm, cung không đủ cầu nên càng ngày càng đắt đỏ.
Ngoài ra, nhiều ngành kinh doanh khác cũng được đà ăn theo loài vật này.