Theo ước tính của Bộ Tài Chính, giá thành sản xuất lúa kế hoạch của vụ hè thu 2018 ở ĐBSCL bình quân toàn vùng khoảng từ 3.261 đến 4.985 đồng/kg.
Giá thành liên tục tăng
Cụ thể, giá thành sản xuất lúa kế hoạch bình quân vụ hè thu 2018 ĐBSCL khoảng 4.059 đồng/kg tăng hơn 156 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa hè thu năm 2017, ở mức 3.903 đồng/kg. ĐIều này tương đương với việc ĐBSCL tăng thêm đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng trên tổng sản lượng lúa hè thu 2018.
Tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao là Bến Tre, ở mức 4.985 đồng/kg trong khi tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất là Cà Mau, ở mức 3.261 đồng/kg.
Cũng theo Bộ Tài chính, nhóm các tỉnh có giá thành cao hơn 4.000 đồng/kg lúa gồm Bạc Liêu, ở mức 4.787 đồng/kg; An Giang, ở mức 4.782 đồng/kg; Tiền Giang 4.503 đồng/kg; Đồng Tháp 4.4607 đồng/kg và Trà Vinh 4.388 đồng/kg.
Ngược lại, nhóm các tỉnh có giá thành thấp hơn 4.000 đồng/kg lúa gồm Vĩnh Long (3.801 đồng/kg); Kiên Giang (3.790 đồng/kg); Sóc Trăng (3.685 đồng/kg); Hậu Giang (3.553 đồng/kg); Cần Thơ (3.489 đồng/kg) và Long An (3.285 đồng/kg).
Giá thành lúa vụ hè thu đã tăng hơn 156 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa hè thu năm 2017, ở mức 3.903 đồng/kg.
Vụ hè thu năm nay có thời điểm giá lúa nội địa lập mức đỉnh, cao kỷ lục so với nhiều năm qua. Bà Đặng Thị Liên – Giám đốc Công ty Lương thực Long An, cho biết, thời điểm đầu vụ hè thu, tức khoảng cuối tháng 5.2018, úa tưới IR50404 tại ruộng được thu mua với giá 5.850 đồng/kg, giá gạo lứt IR50404 ở mức 8.650 đồng/kg trong khi giá gạo thành phẩm đã lên mức 10.200 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này, thu hoạch vụ hè thu chưa rộ, nông dân cũng vừa bán hết lúa đông xuân nên việc “đón” được cơn lốc giá lúa gạo tăng thời điểm này là không nhiều. Thời điểm này, giá lúa trên đồng ở mức cao nên các thương nhân chế biến, xuất khẩu gạo cũng chủ yếu bán hàng trong kho thay vì mua lúa mới.
Đến giữa tháng 6, khi các doanh nghiệp Việt Nam không tìm kiếm thêm được hợp đồng xuất khẩu nào, vụ hè thu bắt đầu thu hoạch rộ hơn cũng là lúc giá lúa giảm dần, giảm từ 200 – 300 đồng/kg tùy loại.
Đến đầu tháng 7, khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ vụ hè thu, giá lúa đã giảm sâu. Lúa 5451 tại Kiên Giang chỉ còn ở mức 5.200 – 5.250 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu dao động quanh mức 8.100 – 8.150 đồng/kg.
Nghề trồng lúa khó “khá giả”
Ông Nguyễn Mậu Thìn, trồng 5 công lúa ở Châu Thành (An Giang), vừa thu hoạch xong nhưng ông Thìn không mấy vui vì tiền bán lúa cũng chỉ đủ cho ông trả nợ vật tư nông nghiệp, tiền thuê máy cày, máy cắt lúa và công phun thuốc...
Ông Thìn cho biết, sản xuất lúa ngày càng khó khăn, thời tiết thay đổi thất thường, lúa nhiều sâu bệnh nên phải sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn, mà giá các loại vật tư nông nghiệp như phân, thuốc, giống... cũng liên tục tăng. Giá nhân công, thuê máy cày, máy cắt cũng tăng trong khi giá lúa chỉ tăng ở những thời điểm nông dân chưa gặt lúa hoặc đã bán hết lúa trên đồng.
Có thời điểm giá lúa tăng cao lập đỉnh nhưng không nhiều nông dân có lúa để bán hưởng chênh lệch.
“Thu hoạch xong tôi còn dư tiền mua được cái nồi cơm điện mới cho vợ, để dành một ít chuẩn bị cho 2 đứa nhỏ vô năm học mới. Thế là vẫn phải tiếp tục cái vòng quay mua nợ vật tư nông nghiệp cho vụ tới”, ông Thìn than thở.
Trồng lúa ngày càng khó khăn, thế nhưng, theo Cục Trồng trọt, trong vụ hè thu vừa qua, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu khác cũng không mấy “dễ ăn”. Riêng vụ hè thu 2018, toàn ĐBSCL đã có hơn 35.000ha đất lúa chuyển đổi sang cây trồng khác.
Thế nhưng, do mùa mưa năm nay sớm hơn, lượng mưa nhiều hơn TBNN nên việc gieo trồng cây màu gặp nhiều khó khăn, nhất là những vùng thấp khó tiêu nước vào mùa mưa, bên cạnh giá cả một số nông sản thấp và không ổn định nên chưa khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa; diện tích chuyển đổi chủ yếu là cây ăn quả như cam, chanh, thanh long, dừa…
Đó là chưa kể, việc chuyển đổi vẫn chưa mang tính ổn định, còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đầu ra sản phẩm chuyển đổi chưa đa dạng, manh mún, lệ thuộc vào mùa vụ và chưa hình thành vùng nguyên liệu, chưa tạo điều kiện đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Các chuyên gia cho rằng, càng trồng lúa, nông dân ĐBSCL càng lỗ.
Dẫu sao thì việc chuyển sang trồng màu vẫn giúp mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân, như thống kê của một số tỉnh ở ĐBSCL. Ví dụ như tại Tiền giang, trong vụ hè thu 2018, một số cây rau màu trồng trên đất lúa cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 14,9 - 23,3 triệu đồng/ha, gấp 1,9 đến 2,4 lần so với trồng lúa.
Hay như tại Bạc liêu, mô hình chuyển đổi sang trồng ngô nếp cho lợi nhuận tăng 50,6 - 56,8 triệu đồng/ha so trồng lúa; các loại rau màu khác cho lợi nhuận tăng 25,8 - 40,1 triệu đồng/ha so trồng lúa.
GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp thừa nhận, trồng lúa bây giờ không còn và không nên là ưu tiên hàng đầu nữa. Thay vào đó, chỉ nên trồng đủ ăn và dư ra 2 triệu tấn gạo là vừa, đừng ham dư ra 8 - 9 triệu tấn gạo, vừa tốn nước, vừa tốn tiền bơm nhưng thu hoạch tiền không bao nhiêu.
“Làm lúa càng nhiều thì càng dư gạo, mà dư gạo thì giá sụt giảm, nông dân không có lời", giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.