Gần đây, rùa mini được đăng bán tràn ngập trên mạng xã hội với giá từ 50.000-80.000 đồng/con đã nhận được sự quan tâm của không ít bạn trẻ. Số lượng đặt hàng nhiều vô kể, chỉ cần “chậm chân” một chút là khách có thể phải đợi vài ngày mới có hàng.
Sở dĩ loài rùa này được giới trẻ yêu thích là do kích thước cơ thể chúng rất nhỏ, có thể nằm lọt trong lòng bàn tay. Chiếc mai mang trên lưng được tô vẽ nhiều họa tiết khác nhau bằng màu sắc sặc sỡ. Giá cả cũng không quá đắt đỏ.
Khi được hỏi đây là loại rùa gì, có người bán khẳng định rùa mini chính là rùa tai đỏ, còn một số người bán khác né tránh, sợ bị dư luận lên án thì gọi đó là rùa bụng vàng. Tuy nhiên, dù biết chắc rùa mini là rùa tai đỏ, người bán vẫn cứ đăng bán, còn người mua vẫn cứ mua vì tâm lý nuôi một con không ảnh hưởng gì.
“Mình biết đây là rùa tai đỏ mà và cũng biết những ảnh hưởng của chúng mang lại. Nhưng mình mua có một con rùa mini để làm thú cưng, mình nghĩ không sao”, bạn Nguyên Phương (22 tuổi, Hà Nội) cho hay.
Dù biết rùa mini là rùa tai đỏ, các bạn trẻ vẫn phớt lờ những cảnh báo nguy hiểm.
Tuy nhiên, không ai biết nguy hiểm khó lường từ việc buôn bán và nuôi loài động vật này ở nước ta.
Đối với người bán, họ đang làm trái với lệnh cấm buôn bán, nuôi thả, gây giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì loài rùa này làm nguy hại cho môi trường tự nhiên và làm mất cân bằng sinh thái.
Về phía người nuôi, dù chỉ nuôi 1 con, loài rùa này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cụ thể, rất nhiều báo cáo cho biết rùa tai đỏ mang trên mình vi khuẩn Salmonella - một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Chúng có thể lây truyền vi khuẩn này cho người nuôi bất cứ lúc nào. Vi khuẩn này hoạt động mạnh hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là người già và trẻ em.
Ngoài ra, trong quá trình chế biến thức ăn, người giết mổ rùa không cẩn thận cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh do rùa tai đỏ mang đến.
Theo thống kê từ Trung tâm phòng chống Dịch tễ tại Mỹ, có tới 70% người nhiễm khuẩn Salmonella tại Chicago là do tiếp xúc với rùa tai đỏ.
Người nhiễm khuẩn có thể bị tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt cao, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Hàng năm, có khoảng 600.000 người chết vì thương hàn trên thế giới.
Rùa tai đỏ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Không chỉ thế, những người nuôi rùa tai đỏ làm thú cưng mà đem thả chúng xuống ao, hồ sẽ khiến số lượng và địa bàn cư trú của loài này phát triển nhanh chóng mặt, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài khác.
PGS.TS Sinh học Hà Đình Đức cho biết rùa tai đỏ nằm trong danh sách các động vật xâm hại của Việt Nam và là loài bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài nguy hiểm nhất thế giới.
Theo ông, loài rùa này ăn khỏe, đẻ nhiều, ăn hết thức ăn của các động vật bản địa nên rất nguy hại cho môi trường sinh thái. Năm 2011, ông đã lên tiếng cảnh báo về số lượng rùa tai đỏ gia tăng vượt kiểm soát tại Hồ Gươm (Hà Nội), gây hại đến nhiều sinh vật, tận diệt nguồn thức ăn của các con rùa bản địa.
Ông cho biết, hiện chưa có đánh giá nào nói về mức độ nguy hiểm từ sơn trang trí lên mai rùa. Tuy nhiên, hành động này cũng không nên.
Năm 1994, rùa tai đỏ có nguồn gốc Bắc Mỹ du nhập vào Việt Nam. Năm 2010, loài rùa này được nhập vào Việt Nam với số lượng lớn (khoàng 40 tấn) và lây lan ra môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng sinh thái. Nhiều người còn thả rùa vào các dịp lễ phóng sinh tại chùa làm số lượng rùa tai đỏ ngày càng lớn. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành danh sách các loài thủy sản, sinh vật ngoại lai xâm hại và nguy cơ xâm hại, đồng thời ban hành lệnh cấm buôn bán, gây giống, nuôi rùa tai đỏ. |
Vì thích sử dụng hàng ngoại, giới nhà giàu đổ xô đi mua cồi sò điệp khô Nhật có giá cả chục triệu đồng 1 kg.