Dân Việt

Vở diễn có nhiều nông dân nhất lập "cú đúp" kỷ lục Guinness Việt Nam

Mai Hoa 02/08/2018 15:23 GMT+7
Mới đây, vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc bộ" đã lập "cú đúp" kỷ lục Guinness Việt Nam với "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" (4300m2) và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam" (150 diễn viên).

img

Kỷ lục Guinness Việt Nam được trao cho vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc bộ".

Theo đó, sân khấu chinh phục Tổ chức Guinness Việt Nam có khung cảnh thơ mộng hữu tình, nằm ngay dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), trên mặt hồ nước rộng 4300m2. Với những âm thanh, ánh sáng hiện đại và gần 200 diễn viên - phần lớn là những người nông dân bước lên sân khấu kể về chính cuộc đời mình khiến khán giả trầm trồ không ngớt bởi những hoạt cảnh như: người dân chài lưới, những cô thôn nữ mặc yếm tát nước đầu đình, cảnh múc nước gầu sòng, cảnh tắm sen, trai gái đối đáp, bài ca dân chài với tiếng quăng chài...

img

 "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam" lập "cú đúp" Guinness Việt Nam.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã dẫn dắt du khách bước vào câu chuyện kể thiên nhiên, đời sống tinh thần phong phú của con người Việt mang tên "Tinh hoa Bắc bộ". Cụ thể, từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, vở diễn thực cảnh này được phát triển, chia thành 6 phần nội dung chặt chẽ: "Thi ca",  "Cõi Phật", "Hoài cổ", "Nhạc họa", "An vui", Ngày hội".

Tại đây, khán giả sẽ cảm nhận được các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, các hoạt động vui chơi, giải trí đến các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần của con người Việt Nam trong lao động, sản xuất, trong cả cách ăn mặc; và tất nhiên, không thể thiếu được, đó là học vấn, tri thức. Tất cả mang đến câu chuyện nghệ thuật múa rối nước bằng động tác, ánh sáng và sắp đặt.

img

img

img

Những người nông dân bước lên sân khấu kể về chính cuộc đời mình trong vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc bộ". (Ảnh: VOV)

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ, để những người nông dân Sài Sơn hiền hậu, chất phác có thể biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu, anh đã có những buổi trò chuyện, tâm tư với bà con để họ nghe chất giọng của mình, hiểu tâm tư, hiểu những điều người đạo diễn xây dựng và hướng đến.

Vì vậy, dưới ánh đèn sân khấu lớn, trang phục, đạo cụ... những người nông dân đã khác. Họ quên đi bỡ ngỡ, cái “tôi” rụt rè, họ là diễn viên thực thụ, kể lại chính cuộc đời mình thường nhật: xưa, và nay. Nhờ đó, các diễn viên di chuyển trên mặt hồ thành thục với hệ thống đường đi ngầm. Mô hình hoạt cảnh giấu chìm dưới nước phối kết hợp nhuần nhuyễn với âm thanh, ánh sáng, làm nên sự hoàn chỉnh và thành công của “Tinh hoa Bắc bộ”.