Dân Việt

Nguy cơ VN thành “rốn” rác phế liệu do chồng chéo quản lý?

Thuận Hải 03/08/2018 06:32 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm giả giấy phép, kê khai sai tên hàng hóa, thậm chí dùng các doanh nghiệp “ma” để nhập khẩu phế liệu. Khi xảy ra sự cố, chủ hàng trốn biệt khiến cả cảng biển lẫn chủ tàu rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Ồ ạt nhập phế liệu

Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy.

img

Số lượng container chứa phế liệu nhập khẩu tại các cảng do Tân Cảng Sài Gòn quản lý đã lên tới gần 4.500 chiếc. Ảnh: T.H

Việc Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế sẽ dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu… sẽ phải tìm đối tác thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia…

Một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam làm gia tăng các container tại nhiều cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Chưa hết, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển.

Tính đến 26.6.2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP.HCM và khu vực cảng  biển Hải Phòng là 5.724 container.Trong đó, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các Cảng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container. Trong số gần 3.500 container đang lưu tại cảng Cát Lái, số lưu bãi quá 90 ngày đã là 2.068 container. Thế nhưng, trong buổi làm việc tìm giải pháp xử lý hàng phế liệu tồn đọng do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức sáng qua (2.8) ở TP.HCM, cơ quan liên quan rất lớn đến việc quản lý hàng phế liệu nhập khẩu, lại vắng mặt.

Ông Bùi Thiên Thu – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo số lượng củ thể, chủng loại hàng hóa là phế liệu.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có hành vi giả mạo giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế, tức địa chỉ “ma”  hoặc chuyển địa chỉ mà không cập nhật, cố ý nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng, gây tồn đọng tại các cảng biển.

“Một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng, có nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 – 7 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng và hãng tàu, gây ô nhiễm môi trường khu vực cảng biển”- ông Thu cho biết.

10 cơ quan nhưng không có “nhạc trưởng”

Ông Phan Trọng Lâm-Phó Tổng Giám đốc Cảng VICT (quận 7, TP.HCM) nhận định, Việt Nam đang có khuynh hướng thành “vùng rốn” để các nơi đổ rác. Điều này một phần nguyên nhân là do có sự chồng chéo trong quản lý về nhập khẩu phế liệu.

Theo ông Lâm, hiện có đến 6 luật cùng chi phối vấn đề rác thải phế liệu, liên quan tới nhiều bên như Hải quan, Hàng hải, Bảo vệ môi trường… Có đến 10 cơ quan đơn vị như Bộ TNMT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… cùng điều hành việc nhập khẩu phế liệu nhưng lại thiếu một nhạc trưởng.

Hiện nay, trong trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá thời hạn 90 ngày, lô hàng sẽ được xử lý theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Tuy nhiên, việc xử lý này thường kéo dài, thủ tục phức tạp. Đó là chưa kể, đối với hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày hiện chưa có quy định cụ thể.

“Cụ thể là việc giải quyết hàng tồn đọng tốn quá nhiều thời gian, phải mất 322 ngày làm việc kể từ lúc hàng lên cảng mới xử lý xong. Nếu cộng thêm thứ 7, Chủ nhật, hoặc những trường hợp đặc biệt phải mất 1 – 2 năm, hàng bị thoái hóa biến chất, mất giá trị, lại phải tốn tiền tiêu hủy”- ông Lâm bức xúc.

Còn theo ông Trịnh Phương Nam - Giám đốc điều động Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện nay một số loại phế liệu nhập khẩu về cảng doanh nghiệp cố tình không kê khai hoặc kê khai sai tên mặt hàng. Khi sử dụng các công cụ máy móc để kiểm tra hàng nhập cảng, không có chương trình nào có thể đọc được tên hàng dài hàng trăm nghìn ký tự. Do đó chỉ có thể dùng mắt thường để nhận diện.

Sáng 2.8 Cục Hàng hải Việt Nam và Vụ Vận tải (Bộ GTVT) phối hợp tổ chức cuộc họp bàn giải pháp xử lý container hàng phế liệu nhập khẩu. Ngay đầu giờ, đại diện các đơn vị liên quan có mặt rất đúng giờ, đông đủ. Thậm chí có đơn vị chủ hàng cử 2, 3 đại diện cùng tham dự. Tuy nhiên khá đáng tiếc là không có đại diện của Bộ TNMT - một trong những đơn vị liên quan đến tình trạng tồn đọng rác phế liệu - tham dự.

“Có những container hàng hóa chủ hàng không khai là phế liệu nhưng khi chúng tôi đối chiếu với cơ quan hải quan đây lại là phế liệu. Khi phát hiện có sự sai lệch, các bên giải thích rằng do chúng tôi “quên” nên không khai (?)”- ông Nam dẫn chứng.

Cũng theo ông Nam, một số doanh nghiệp khi bị phát hiện sai phạm trong khai báo hàng hóa thì lại đẩy trách nhiệm cho người gởi hàng đã kê khai sai.

“Một lô hàng nhưng chủ hàng khai thành hai loại khác nhau. Khi khai với Hải quan thì là phế liệu nhưng khai với Cảng lại là nhựa đã qua sử dụng hoặc tên gì đó rất dài, khó xác định. Đề nghị có hệ thống công khai, liên kết giữa hải quan và cảng biển để công khai hàng hóa nhập khẩu giữa các bên”- ông Nam đề xuất.

Còn theo ông Bùi Thiên Thu, hiện chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu phế liệu chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chủ tàu. Khi có vi phạm về vận chuyển hàng hóa thì không xử lý được trách nhiệm của chủ tàu.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận về chính sách nhập khẩu để làm thủ tục vận chuyển phế liệu từ nước ngoài về trong khi chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

“Một số doanh nghiệp có giấy xác nhận để nhập khẩu nhưng không sử dụng hết số lượng được cấp phép nên đã tìm cách bán giấy phép lại cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh tại các làng nghề… làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường”- ông Thu lo lắng.