Dân Việt

Nâng cấp đê tả Bùi: Có nên bỏ hàng trăm, nghìn tỷ để kè "đáy ao"?

Thành An 03/08/2018 08:50 GMT+7
KTS Trần Huy Ánh cho rằng: "không ai bỏ hàng trăm, hàng nghìn tỷ để làm kè dưới "đáy ao" của Hà Nội mở rộng, trong khi chỉ cần một số nhỏ để làm nhà tránh lũ trong mùa mưa, lũ"

Clip người dân huyện Chương Mỹ sống chung với mưa ngập kéo dài. T.A

Chỉ một cơn mưa kéo dài trong 2 ngày từ ngày 20-21.7 đã nhấn chìm gần 4.000 hộ dân huyện Chương Mỹ và gần 1.000 hộ dân huyện Quốc Oai (Hà Nội). Cơ quan chức năng đo được lượng mưa từ 300-500mm; mực nước ở các sông, hồ của Hà Nội đều vượt mức báo động, mực nước vượt ngưỡng thiết kế và gây ra 14 sự cố đê điều, công trình thủy lợi trên các tuyến đê sông: Hồng, Tích, Bùi, Nhuệ, Đáy thuộc địa phận các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh…

Đỉnh điểm ngày 30.7, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt đo được là 7,50m, trên báo động 3 là 0,50m, cao hơn đỉnh lũ 2008 là 0,05m. Đến hôm nay (2.8) mực nước tại đây vẫn cao hơn báo động 3 là 0,15m. Nghĩa là mưa rất to. Đã thế sau cơn mưa, lũ từ rừng ngang còn ào ào đổ về khiến dòng sông Bùi, sông Tích vốn đã bị ngập lại tiếp tục ngập, nước bủa vây tứ phía ôm trọn nhà dân, công trình văn hóa, trụ sở làm việc, vườn tược, trang trại… Đến hôm nay đã là ngày thứ 12 hàng nghìn người dân ở các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ); Cấn Hữu (Quốc Oai) sống chung với ngập, lụt.

Để tìm cách khắc phục tạm thời cũng như lâu dài có biện pháp thích ứng với vùng phân lũ của Hà Nội. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội. 

Thưa ông, tại sao chỉ trong vòng 9 tháng (10.2017-7.2018), huyện Chương Mỹ và Quốc Oai (Hà Nội) đã phải chịu 2 trận ngập, lụt kéo dài gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng, đời sống người dân muôn vàn khó khăn?

- KTS Trần Huy Ánh: Đối với nước ta, với khí hậu, điều kiện tự nhiên vốn là mưa thuận gió hòa nhưng nhiều năm gần đây phải đối mặt với biến đổi khí hậu, “thảm họa” đô thị hóa, khai thác cạn kiệt tài nguyên ngày càng cực đoan, ngoài ra  còn ra còn có nhân tai,v.v…

Tại Hà Nội, vùng Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai hay dọc phía Nam Hà nội dọc theo sông Bùi, sông Tích, sông Hoàng Long… những chiến lược đã được hoạch định thông qua các bản đồ đo đạc do Pháp và các chuyên gia, nghiên cứu thực hiện và kế thừa.

img

Mưa lũ nước sông dâng cao tràn, ngập vào khu dân cư khiến gần 4.000 hộ dân tại huyện Chương Mỹ bị ngập sâu. Ảnh. Thành An

Đó là hành lang chống lũ, thoát lũ của sông Đáy, sông Tích, sông Bùi để cứu lũ cho nội thành vì thường xuyên bị lũ đe dọa nhiều năm bởi lũ lớn của sông Hồng. 

Tôi nghĩ rằng hiện nay và mãi mãi sau này việc phát triển đô thị tại những nơi như thế này không nên tồn tại và hết sức sai lầm cũng như để lại những hậu quả khôn lường, tốn kém, chính chúng ta phải chịu hậu quả. 

Vậy phải xây dựng nơi này thành nơi thích ứng. Bởi vì trong việc tiêu úng tiêu thoát của Hà Nội mở rộng có đề cập đến việc mở rộng hồ điều hòa, vùng thoát lũ, nhưng thiếu chủ quan và khoa học, nơi mà thấp hơn nội thành.

Những nơi ngập lụt trong những năm vừa qua là những nơi trũng nước và để lại nhiều mối nguy hại dọc theo các con sông.

Vậy theo ông, các giải pháp tạm thời và lâu dài cho vùng này là như thế nào?

- KTS Trần Huy Ánh: Theo tôi, thoát lũ có hai cách, thứ nhất là dùng hệ thống thủy lợi đê điều bơm nước ra các dòng sông; thứ hai là mở rộng các vùng bán ngập để giảm áp lực của nước.

Nhưng việc dùng máy bơm chỉ là việc làm tình thế khi tất cả các dòng sông đều ngập, bơm nước vòng quanh thì vô ích. Còn mở rộng vùng bán ngập thì có thể hạn chế được và tận dụng được để kinh doanh, sản xuất. Ví dụ như mô hình – lúa – cá – vịt (huyện Ứng Hòa ứng dụng rất tốt việc này). Nuôi trồng thủy sản kết hợp với cây trồng. Do vậy, việc mở rộng vùng bán ngập là hữu hiệu nhất, khi lũ về những vùng bán ngập sẽ có được thổ nhưỡng tốt, màu mỡ thì phát huy được trồng trọt.

Việc phát triển vùng bán ngập như thế là một tương lai mới, mô hình sinh kế mới. Do vậy các chuyên gia, các nhà khoa học nên định hướng bà con đi theo hướng đấy, để giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu đem đến.

img

KTS Trần Huy Ánh cho rằng Hà Nội nên mở rộng vùng bán ngập để thoát lũ, giảm tải lụt cho sông Bùi, sông Tích. Ảnh: Thành An

Thực ra, đây không phải những gì mới mẻ. Vùng bán ngập là nơi thẩm thấu, nơi dự trữ nước ngọt rất tốt, vì trong tương lai tình trạng thiếu nước là hoàn toàn có thể xảy ra, cho nên có những vùng bán ngập còn mang lại sức sống cho người dân. Một ngày nào đó, nước sạch còn quý hơn dầu mỏ, nó đem lại sức sống cho cả một vùng quê. Tác hại của khô hạn còn nguy hiểm hơn cho nên cần có chiến lược để giữ nước sạch và sử dụng nước như một tài sản, để phát triển sinh kế và đảm bảo định cư.

Hiện nay, Hội KTS Hà Nội và các chuyên gia, nhà quy hoạch kiến trúc sẵn sàng tình nguyện có những buổi hội thảo với bà con để cùng đóng góp những  phương án tốt nhất để biến thách thức này trở thành cơ hội, lợi nhuận.

Được biết, hiện nay có ý tưởng nâng đê sông Bùi nhằm đảm bảo an toàn đê điều. Theo đó, phần đê tả sông Bùi có thể sẽ được nâng cao từ 0,8-1,5m và phần đê được kiên cố hóa hơn. Ông đánh giá việc này thế nào?

- KTS Trần Huy Ánh: Gần đây, được biết Hà Nội có dự kiến bê tông hóa đê sông Bùi với chiều dài hàng chục km với chiều cao hơn 1m bằng kè bê tông cốt thép. Chúng tôi cho rằng, đây là giải pháp kỹ thuật không có gì mới. 

Nhìn mặt nước mênh mông vùng trũng ngập này, có thể thấy rằng biện pháp này khá tốn kém (vài trăm hoặc lên đến hàng ngàn tỷ đồng) và chưa có gì đảm bảo sẽ hiệu quả. Bởi lẽ một vùng trũng ngập như vậy thì không ai dại gì làm kè ở nơi ao trũng (có thể gọi là đáy ao của Hà Nội mở rộng).

img

KTS Trần Huy Ánh cho rằng Hà Nội cần từng bước tổ chức giao thông thủy (mùa lũ) kết hợp giao thông bộ (mùa cạn) một cách chủ động, an toàn. Ảnh: Thành An

Chúng ta đang ở Thế kỷ 21, loài người đang hướng tới sống thích ứng với tự nhiên, thay vì chống chọi với tự nhiên. Bài học chống ngập hàng chục ngàn tỷ đồng của TP.HCM không đem lại kết quả mong đợi đang là minh chứng hùng hồn. 

Do vậy, nên chăng tái thiết không gian sống thích ứng với 2 mùa lũ/cạn; coi nước là tài nguyên thay vì thảm hỏa. Lấy trữ nước chủ động thay vì thoát nước bị động. Tổ chức sinh kế nông nghiệp/ngư nghiệp thay vì san nền đổ đất đô thị hóa tràn lan.

Từng bước tổ chức giao thông thủy (mùa lũ) kết hợp giao thông bộ (mùa cạn) một cách chủ động, an toàn. Làm nhà cộng đồng, trường học, kho tàng, trạm điện cao, nổi trên mặt nước, kết hợp hành lang đi bộ an toàn trên cao kết nối các khu dân cư (như các em học sinh đang leo lên các mái nhà đến trường hiện nay).

Giải pháp này huy động toàn dân tham gia, thay vì làm dự án chỉ có ngân sách chi ra trăm tỷ, ngàn tỷ mà hiệu quả chưa có gì đảm bảo. Hà Nội đang hướng tới TP thông minh vậy cần có nhiều giải pháp tổ chức không gian sống một cách thông minh, thích ứng, an toàn... Cần bình tĩnh suy xét thấu đáo mọi mặt một cách bình tâm thay vì những "sáng kiến" chợt lóe ra trong lúc nguy ngập.

Xin cảm ơn ông!

Đề xuất đầu tư 447 tỷ đồng lo hạ tầng đảm bảo đời sống người dân vùng lũ Chương Mỹ

Mới đây, Huyện ủy Chương Mỹ (Hà Nội) ước tính, huyện cần đầu tư hơn 447 tỷ đồng để xây dựng các công trình giúp người dân có cuộc sống ổn định, yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải sống chung với lũ.

Cụ thể, để người dân các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên có cuộc sống ổn định, yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải sống chung với lũ, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND TP.Hà Nội quan tâm chỉ đạo sớm thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy (nâng cao các đê theo quy hoạch, kết hợp đê và đường giao thông). Huyện đã gửi các ngành của thành phố báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để thẩm định.

Theo đó, cần hỗ trợ đầu tư các công trình với tổng kinh phí khái toán hơn 447 tỷ đồng, gồm: Trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến, đang nằm trong đất đình và thường xuyên bị ngập, phải di dời địa điểm làm việc; 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và sạt lở (nâng cấp một số tuyến đường để đảm bảo khi ngập úng các khu dân cư không bị cô lập); 5 dự án tu bổ di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa do đã xuống cấp và ảnh hưởng của ngập úng; 7 dự án trường học đạt chuẩn quốc gia...

Liên quan về việc tiếp tục nâng cấp đê tả Bùi, ông Đỗ Đức Thịnh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho biết: “đây đang là ý tưởng”, việc này nhằm đảm bảo an toàn đê điều. Theo đó, khả năng cao phần đê tả sông Bùi sẽ được nâng cao từ 80cm – 1,5m và phần đê sẽ được kiên cố hóa hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng, kết cấu thế nào còn phải được các cơ quan chuyên môn đánh giá, nghiên cứu.