Đó là báo cáo của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị trực tuyến về một số vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp – IUU.
Gần 600 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ. Ảnh: IT
Về việc EC cảnh báo và công tác khắc phục “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Sau hơn 8 tháng (kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng ngày 23/10/2017), với sự nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng trong việc chống khai thác IUU".
Công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã được quan tâm thực hiện; nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sau thời điểm EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tính từ ngày 23/10/2017 đến nay đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Ngoài ra còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho rằng, một số vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực (Indonexia, Malayxia, Brunay, Philippines…) chưa được phân định vì vậy vẫn còn tình trạng lực lượng chức năng các nước bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động trong khu vực này.
Cũng tại hội nghị này, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, để quản lý giám sát hoạt động tàu cá ngư dân, một trong những việc cần làm ngay đó là các bộ ngành liên quan cần ban hành quy chuẩn để quản lý thiết bị giám sát hành trình, điều này cần được ưu tiên. Cần lắp đặt trang thiết bị công nghệ để quản lý kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu có ở địa phương cũng như có mặt tại vùng biển của địa phương.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Ngô Minh Tiến - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng), cho rằng lắp đặt thiết bị hành trình là bài toán phải làm, làm đến đâu cần có tính toán cụ thể.
"Trong năm 2018, chúng tôi đã thực hiện nhiều vụ việc cứu hộ ngư dân, chỉ cần một ngư dân có vấn đề trên biển là chúng tôi phải huy động trực thăng đến ứng cứu. Có những vụ tìm kiếm rất khó khăn. Vì vậy lắp đặt giám sát tàu cá là vấn đề cấp bách cần làm ngay", ông Tiến nhấn mạnh.